Quản lý thị trường Đà Nẵng 'tuyên chiến' với hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng

Thị trườngThứ Tư, 15/11/2023 14:25:00 +07:00
(VTC News) -

Các đội QLTT Đà Nẵng liên tục kiểm tra, phát hiện, xử phạt nhiều công ty, cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Lật tẩy công ty gắn mác Adidas

Từ thông tin thu thập cũng như phản ánh của người tiêu dùng, ngày 3/10, Đoàn Kiểm tra của Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT TP Đà Nẵng  kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ JNO (Lô C4-5 Trần Nhân Tông, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) do ông V.T.L là người đại diện theo pháp luật.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện công ty đang bày bán hàng hóa là các sản phẩm mũ lưỡi trai gắn mác “Adidas” có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên và phối hợp với các đơn vị có liên quan để xác nhận hàng thật - hàng giả.

Quá trình làm việc, ngày 6/10, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng đã có văn bản xác nhận toàn bộ hàng hóa gắn dấu hiệu “Adidas” đang được tạm giữ nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu adidas.

Với chứng cứ này, ông V.T.L thừa nhận toàn bộ hàng hóa này là hàng giả mạo nhãn hiệu Adidas của công ty adidas AG, địa chỉ: Adi-Dassler-Strasse 1, 91074 Herzogenaurach Germany.

Hàng hóa được công ty gắn mác thương hiệu Adidas bị phát hiện. (Ảnh: QLTT)

Hàng hóa được công ty gắn mác thương hiệu Adidas bị phát hiện. (Ảnh: QLTT)

Đội QLTT số 4 đã hoàn thiện hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ JNO về hành vi “Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”, xử phạt vi phạm hành chính 12 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy đối với toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Theo lãnh đạo Đội QLTT số 4, trong năm 2023, đơn vị tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra thị trường, cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì thị trường lành mạnh cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng

Cửa hàng thời trang gắn mác thương hiệu Christian Dior

Mới đây, Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT TP Đà Nẵng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Christian Dior và Adidas.

Theo đó, ngày 1/11, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 5 kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh “Thế giới thời trang P & M”, đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu do bà N.T.T.S làm chủ và cở kinh doanh Ngô Viết Duy, địa chỉ tại số 83 Âu Cơ, quận Liên Chiểu Đà Nẵng do ông N.V.D là làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở “Thế giới thời trang P & M” đang bày bán hàng hóa là các sản phẩm áo thun, quần đùi có gắn dấu hiệu “Adidas” có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và cơ sở Ngô Viết Duy đang trưng bày hàng hóa là các sản phẩm áo khoác có gắn dấu hiệu “Christian Dior” có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn. 

Đoàn kiểm tra tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên và phối hợp với Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Sở Hữu Trí Tuệ S & O để xác nhận hàng thật - hàng giả.

Quá trình xác minh, ngày 6/11, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Sở Hữu Trí Tuệ S & O đã có văn bản xác nhận toàn bộ hàng hóa đang được tạm giữ nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas và nhãn hiệu Christian Dior.

Đội QLTT số 5 đã mời chủ cơ sở kinh doanh đến làm việc và xác định toàn bộ hàng hóa đang được tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. 

Từ kết quả này, Đội QLTT số 5 hoàn thiện hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng ban hành quyết định xử phạt đối với 2 hộ kinh doanh nêu trên về hành vi “Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở “Thế giới thời trang P & M” 6 triệu đồng và cơ sở Ngô Viết Duy 16 triệu đồng.

Đội QLTT số 5 cũng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ cơ sở tổ chức tiêu hủy đối với toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Theo lãnh đạo Đội QLTT số 5, thời gian đến, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023 và giáp Tết Nguyên đán năm 2024, đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Buộc tiêu hủy hàng hóa gắn mác các nhãn hàng nổi tiếng. (Ảnh: QLTT Đà Nẵng)

Buộc tiêu hủy hàng hóa gắn mác các nhãn hàng nổi tiếng. (Ảnh: QLTT Đà Nẵng)

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động 10 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 do Ban Chỉ đạo 389 Đà Nẵng tổ chức ngày 14/11, trong 10 tháng của năm 2023, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP Đà Nẵng kiểm tra, đã xử lý hơn 3.000 vụ, trong đó hàng cấm, hàng lậu là 167 vụ, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 173 vụ, gian lận thương mại 2.663 vụ, khởi tố 25 vụ/43 đối tượng, qua đó truy thu thuế và xử phạt với tổng số tiền gần 226 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo và đề nghị tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Cường lưu ý, những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến hết sức phức tạp.

Do vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 cần phải tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

CHÂU THƯ
Bình luận
vtcnews.vn