Quả trám bắt đầu vào mùa, không những ngon miệng mà còn là vị thuốc quý

Tư vấnThứ Tư, 02/08/2023 18:27:00 +07:00
(VTC News) -

Trám là loại quả quen thuộc được nhiều người yêu thích, vậy quả trám có tác dụng gì?

Trám là loại quả dân dã được nhiều người yêu thích. Quả trám không chỉ là thực phẩm được bổ sung trong chế độ ăn uống mà còn lại vị thuốc trong Đông Y, vậy quả trám có tác dụng gì?

Tổng quan về quả trám

Bài viết trên website Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, quả trám có hai loại chính là trám trắng và trám xanh. Tùy vào từng loại trám mà có đặc điểm nhận biết khác nhau.

Quả trám trắng: Quả có hình thoi, hai đầu tù và có màu vàng xanh nhạt. Quảhiều dài 45 mm và rộng từ 20 – 25 mm. Hạt hình thoi với 2 đầu nhọn, cứng và nhẵn, trong có 3 ngăn.

Trám đen: Màu tím đen sẫm, dạng hình trứng, chiều dài 3 – 4 cm và rộng 2 cm. Hạt trám cứng có 3 ngăn.

Theo đó, quả trám trắng phân bố chủ yếu Bắc Lào và một phần lãnh thổ phía nam Trung quốc, từ Quảng Tây đến Vân Nam. Ở Việt Nam, loại quả này tập trung chủ yếu ở các vùng núi miền Bắc, từ Quảng Bình trở ra. Cụ thể, cây phân bố nhiều ở các tỉnh như Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Cạn, Hà Tây, Yên Bái, Vĩnh Phúc.

Thành phần dinh dưỡng của quả trám

Cũng theo bài viết trên website Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, quả trám chứa 12% protein, 1,09% lipid, 12% hydrat carbon, 0,046% Ca, 0,046% P, 0,06% phosphor và 0,004% F. Dầu hạt trám chứa caproic, myristic, acid hexanoic, stearic, palmatic, decanoic, linoleic, octanic, lauric,… Cùi trám chữa nhiều đường, chất béo, acid folic, acid hữu cơ, vitamin (C, B1, P), chất xơ và chất khoáng (kali, magie, canxi, kẽm, carroten, sắt,…).

Quả trám có tác dụng gì?

Bài viết trên Báo Phụ nữ Việt Nam cho biết, theo Y học cổ truyền Trung Quốc, quả trám có thể thanh nhiệt, giải độc và thúc đẩy quá trình tạo ra chất lỏng. Điều này giúp giảm đau họng do phong nhiệt xâm nhập hoặc tích tụ nhiệt độc, khô miệng, rát họng, khát nước, khản tiếng, ho đờm dính, động kinh, uống nhiều, nôn ra máu khi ho và lỵ trực khuẩn. Quả trám cũng có thể làm giảm say rượu và ngộ độc cá nóc.

Các nghiên cứu hiện đại cho rằng quả trám có thể là một loại thực phẩm bổ sung tốt, giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các biến chứng. Vì loại quả này chứa các đặc tính thúc đẩy chức năng của ty thể và sự hấp thu glucose, hoạt động như một chất chống oxy hóa và chống glycation có khả năng ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường.

Quả trám rất tốt cho sức khỏe.

Quả trám rất tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, quả trám có hàm lượng chất xơ cao nên có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng bằng cách thúc đẩy giảm cân, cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin và hạ huyết áp. Chất xơ cũng giúp làm chậm tốc độ hấp thụ chất béo và giảm cảm giác đói.

Quả trám còn được cho rằng có tác dụng chống tăng sinh khối u và các hợp chất chức năng cũng như có thể ngăn ngừa ung thư.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ quả trám

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ quả trám của BS Phó Thuần Hương đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống:

Đêm ngủ mùa thu đông thấy khô cổ muốn ho, mất ngủ: 2 - 3 quả trám trắng tươi (bỏ hột) đập giập lấy nước uống. Có thể thêm gừng, đường hay mật để uống.

Viêm họng cấp mạn, amidan, khô rát cổ, mất tiếng: Dùng trám muối như chanh muối để ngậm hay pha nước uống. Có thể dùng phối hợp trám tươi để hãm uống chữa đau họng và hạ hư hỏa.

Sốt cao, khô môi, khát nước: Giã quả trám lấy nước uống.

Ho khản: Trám tươi 4 quả bỏ hột, giã nát với huyền sâm 10g thái lát, cho vào nồi, đổ ngập nước, nấu uống. Tác dụng tư âm, giáng hỏa, lợi yết hầu, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng.

Nước uống sinh tân dịch, chữa ho, thanh nhiệt giải thử: Trám tươi 5 quả bỏ hột, kim thạch hộc 5g, thái nhỏ, rễ lau 5g thái nhỏ, mã thầy 5g gọt vỏ, lê gọt vỏ 2 quả, mạch đông 10g, ngó sen 10 miếng. Tất cả nấu với 2 lít nước, trên lửa nhỏ 1 giờ. Để nguội lọc lấy nước để uống hằng ngày. Thích hợp cho người miệng khô, hay khạc nhổ nước miếng, ôn bệnh nhiệt thịnh, phổi ráo.

Nước thanh nhiệt: Trám tươi 20g bỏ hạt, rễ lau tươi 4 chùm thái nhỏ. Nấu với 0,5 lít nước trong 1/2 giờ lọc nước uống nóng. Tác dụng thanh phế nhiệt, hóa đàm, thanh can nhiệt, vị nhiệt, sinh tân dịch, khỏi ho.

Canh thanh long bạch hổ thang: Củ cải trắng 1kg, trám tươi xanh liều lượng tùy ý. Nấu nhừ (trong vài tiếng). Tác dụng: chữa họng sưng đau rát, thanh nhiệt.

Món uống ngũ vị bảo kiện: cam 10g, trám tươi 10g (bỏ hột), ngó sen tươi 120g, mã thầy 150g, gừng tươi 6g. Tất cả đều bỏ vỏ, bỏ hạt giã nát cho vào vải sạch vắt lấy nước (hoặc ép) để uống. Tác dụng: thanh tân, chỉ khát, giải nhiệt, thanh phế, lợi hầu, trị sưng họng, ho khạc, buồn nôn, khó nuốt...

Chữa ho khan: trám đen muối 20 quả, vỏ đậu phụ 50g, nước vừa đủ nấu sôi xong chắt lấy nước uống.

Rát họng, khản tiếng: nhai trám đen nuốt nước. Ngày 7 quả, liền 3-4 ngày.

Viêm họng mạn tính: Nấu trám với chè xanh, mật ong uống.

Ho gà: Nấu trám đen với đường phèn lấy nước uống.

Trên đây là những thông tin về quả trám và tác dụng của quả trám đối với sức khỏe. Trám đang vào mùa, hãy tận dụng trám trong các bữa ăn hàng ngày nhé.

Hạ An(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn