Phụ nữ độc thân Trung Quốc đua nhau lập di chúc

Tư liệuThứ Sáu, 05/04/2024 11:06:59 +07:00
(VTC News) -

Ngày càng nhiều người độc thân ở Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ, tìm đến các dịch vụ di chúc để quản lý tài sản của họ tốt hơn.

Theo một báo cáo do Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc công bố vào cuối tháng 3, ngày càng nhiều người độc thân, đặc biệt là phụ nữ, tìm đến các dịch vụ di chúc để quản lý tài sản của họ tốt hơn và tránh bị thừa kế bởi những người mà họ không ưa thích.

Gần 2.100 người độc thân đã đăng ký di chúc tại trung tâm trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2023, với con số tăng đáng kể mỗi năm. Đáng chú ý, 70% trong số đó là phụ nữ.

Theo báo cáo thường niên năm 2023 của trung tâm, gần một nửa số người đăng ký di chúc có trình độ đại học và hơn một nửa giữ các vị trí quản lý tại nơi làm việc hoặc là nhân viên trình độ chuyên môn cao.

Báo cáo cho biết, lý do chính khiến những người chưa kết hôn lập di chúc là để chăm sóc cha mẹ (gần 45%) và để tránh việc tài sản không được thừa kế rõ ràng (gần 30%).

Những người trẻ tuổi đến đăng ký di chúc tại một trung tâm đăng ký di chúc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Những người trẻ tuổi đến đăng ký di chúc tại một trung tâm đăng ký di chúc ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Số liệu từ Bộ Nội vụ Trung Quốc cho thấy số lượng đăng ký kết hôn có xu hướng giảm trong thập kỷ qua, giảm từ 13,47 triệu vào năm 2013 xuống còn 7,68 triệu vào năm 2023. Sự sụt giảm này cũng xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Ông Trần Khải, Giám đốc dự án của Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc, cho biết lý do khiến tỷ lệ phụ nữ độc thân lập di chúc cao là do địa vị xã hội của phụ nữ ngày càng được cải thiện và họ ngày càng độc lập hơn.

Ông Trần nói: "Những phụ nữ này quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ và thừa kế tài sản của họ. Họ hiểu rằng việc lập di chúc sẽ đảm bảo tài sản của họ được xử lý và phân phối hợp lý".

Ông nói thêm: "Đối với những người học vấn cao và những người giữ chức vụ điều hành doanh nghiệp, họ có thể có nhiều tài sản hơn và nhận thức rõ ràng hơn về pháp luật và rủi ro".

Báo cáo cũng cho thấy những người trung niên và trẻ tuổi ngày càng cởi mở hơn với việc lập di chúc. Độ tuổi trung bình của những người đăng ký di chúc giảm từ 77,43 vào năm 2018 xuống còn 67,82 vào năm 2023.

Số người dưới 30 tuổi đăng ký di chúc tăng từ 61 người vào năm 2017 lên 1.030 người vào năm 2023. Cùng khoảng thời gian này, số người đăng ký di chúc trong độ tuổi từ 30 - 39 cũng tăng từ 73 người lên 1.623.

Ông Lưu Quý Minh, giám đốc danh dự của Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc, cho biết: "Xu hướng người đăng ký di chúc ngày càng trẻ tuổi cho thấy thế hệ trẻ ngày càng nhận thức được việc bảo vệ tài sản cá nhân và lập kế hoạch trước. Ngoài ra, di chúc không còn là điều kiêng kỵ nữa, mặc dù vấn đề này trước đây thường liên quan đến cái chết hoặc một điều gì đó không may mắn trong văn hóa truyền thống Trung Quốc".

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc lập di chúc cho thấy sự lo âu xã hội của họ.

Tiến sĩ tâm lý Trương Khả Tiến cho biết: "Trong thời đại bùng nổ công nghệ, mọi người dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin tiêu cực khiến họ luôn có cảm giác mọi thứ diễn ra ngay gần mình. Lâu dần khiến họ hình thành suy nghĩ cũng sẽ gặp phải những sự cố tương tự và trở nên lo lắng, thậm chí lo âu về cái chết".

Đường Đường, cô gái thuộc thế hệ 9X, chia sẻ: "Nếu năm nay mang thai, tôi sẽ ngay lập tức soạn di chúc. Tôi biết việc sinh con rất nguy hiểm, khó có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra".

Gia Văn, thiếu niên mới 17 tuổi, cho biết cậu từng chứng kiến nhiều người thân của bệnh nhân tranh cãi về phương pháp điều trị và tranh chấp tài sản ngay giữa bệnh viện. Nghĩ đến bệnh tim của bản thân, cậu lo sợ mình có thể ra đi bất cứ lúc nào nên quyết định lập di chúc sớm, để lại toàn bộ tiền tiết kiệm cho mẹ.

Li Li, cô gái lập di chúc ngay khi tròn 30 tuổi, cho biết: "Dường như tâm hồn tôi được nhẹ nhõm, an yên hơn".

Hoa Vũ(Nguồn: China Daily)
Bình luận
vtcnews.vn