Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ 4 vấn đề cần giải quyết của tự chủ đại học

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 27/11/2020 12:33:34 +07:00
(VTC News) -

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành tập trung làm rõ một số vấn đề còn tồn tại trong việc triển khai thực hiện tự chủ đại học.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, giáo dục là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, đều được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, việc thực thi tự chủ đại học còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách đòi hỏi phải đổi giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành tập trung làm rõ một số vấn đề còn tồn tại trong việc triển khai thực hiện tự chủ đại học.

Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ 4 vấn đề cần giải quyết của tự chủ đại học - 1

Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ phải có trách nhiệm giải trình theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm đã tôn trọng quyền đó của các cơ sở đại học hay chưa.

Điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, trách nhiệm của hội đồng trường; hội đồng đại học đã phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng thế nào.

Quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế về quản lý nội bộ, các chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn Nhà nước quy định ra sao... Đây là những vấn đề rất lớn trong hội thảo này đề nghị đại biểu cùng quan tâm thảo luận.

Thứ hai, về quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn - Đây là vấn đề lớn. Các quy định về thực hiện tiêu chuẩn, chất lượng, việc mở ngành, việc tuyển sinh, việc đào tạo gắn với hoạt động khoa học công nghệ, việc hợp tác trong nước và quốc tế sao cho phù hợp với quy định của Nhà nước và hệ thống pháp luật chuyên ngành quy định những nội dung quan trọng này.

Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ 4 vấn đề cần giải quyết của tự chủ đại học - 2

Toàn cảnh hội thảo.

Thứ ba, về quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, về tiêu chuẩn, danh mục việc làm liên quan đến tuyển dụng, sử dụng hoặc cho thôi việc với giảng viên, các viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học.

Đây là một trong những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, có bước đi, cách làm phù hợp, vừa trân trọng và có tính kế thừa đội ngũ cán bộ, chuyên gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới, giữa kế thừa và phát triển. 

Thứ tư, đặc biệt rất cần hoàn thiện và mẫu mực về quyền tự chủ trong tài chính và tài sản (kể cả các nguồn thu) quản lý sử dụng tài chính, tài sản, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng đối với người học.

"Khi chúng ta bàn về tự chủ đại học rất cần quan tâm đến trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học? Nếu không thực hiện đúng cam kết thì phải xử lý thế nào khi liên quan đến tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, đến mức lương, thưởng, đến các báo cáo tài chính hằng năm và phải nghiêm túc thực hiện kiểm toán đầu tư mua sắm, trách nhiệm giải trình của các trước trước cơ quan chủ quản.

Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Bộ GD&ĐT khi phải vừa chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật, và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nội dung trong quản lý nhà nước của mình ra sao? Đề nghị các chuyên gia quan tâm, thảo luận", bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn