Phát hiện rùa cổ đại với quả trứng 2.000 tuổi trong bụng

Khám pháThứ Bảy, 25/06/2022 16:04:08 +07:00

Các nhà khảo cổ học ở Italy phát hiện tàn tích của một con rùa mang thai đang tìm nơi ẩn náu trong đống đổ nát của ngôi nhà khi núi lửa phun trào.

Hôm 24/6, các quan chức cho biết con rùa Hermann dài 14 cm và quả trứng còn nguyên trong bụng được phát hiện trong trong quá trình khai quật một địa điểm bị động đất phá hủy của thành phố cổ đại Pompeii gần 2.000 năm trước, theo Guardian.

Các nhà khảo cổ cho rằng con rùa là một loài phổ biến ở khu vực Nam Âu và nó đang tìm cách trú ẩn trong đống đổ nát của một ngôi nhà bị hư hại do trận động đất trước đó.

Ông Gabriel Zuchtriegel, Giám đốc Công viên Khảo cổ Pompeii, cho biết việc con vật vẫn còn trứng cho thấy nó đã chết trước khi tìm được một nơi an toàn, thuận lợi để đẻ.

Phát hiện rùa cổ đại với quả trứng 2.000 tuổi trong bụng - 1

Tàn tích của con rùa được tìm thấy tại Pompeii. (Ảnh: Reuters)

“Điều này cho chúng ta thêm thông tin về Pompeii trong giai đoạn sau trận động đất và trước vụ phun trào. Lúc này, nhiều ngôi nhà đang được xây dựng lại, cả thành phố là một công trường xây dựng. Và rõ ràng có một số không gian không được sử dụng đến mức động vật hoang dã có thể đi lang thang, xâm nhập và cố gắng đẻ trứng tại những nơi này”, ông cho biết thêm.

Pompeii là một thành phố sầm uất bên bờ Địa Trung Hải của La Mã. Thành phố này đã bị phá hủy sau vụ phun trào núi lửa vào năm 79 sau Công nguyên. Hiện tại, đây là một di chỉ khảo cổ nổi tiếng của Italy.

Quá trình tìm được con rùa trên nằm trong đợt khai quật khu vực nhà tắm Stabiane của Pompeii. Công trình khai quật này đang được thực hiện bởi Đại học Tự do Berlin, Đại học Napoli L’Orientale và Đại học Oxford phối hợp cùng với di chỉ khảo cổ Pompeii.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp