Những vụ thoái vốn Nhà nước đình đám dưới thời ông Đinh La Thăng

Kinh tếThứ Ba, 12/12/2017 11:49:00 +07:00

Nhiều Cienco thuộc Bộ Giao thông Vận tải được cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước dưới thời cựu bộ trưởng Đinh La Thăng.

Cảng Quy Nhơn và nhà đầu tư Hợp Thành

Cảng Quy Nhơn được cổ phần hoá vào cuối năm 2013, với cổ đông chiến lược là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành. Tỷ lệ sở hữu của Hợp Thành nhanh chóng tăng từ 10% tháng 9/2013 lên hơn 86% vào hai năm sau đó, khi Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) bán nốt 49% vốn còn lại trong Cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp tư nhân này tháng 9/2015.

Quá trình cổ phần hoá và chuyển nhượng tài sản nhà nước cho tư nhân tại Cảng Quy Nhơn có những dấu hiệu bất thường. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cuối tháng 3/2017 đã yêu cầu thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hoá cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung này.

Theo tìm hiểu của báo, đây không phải thương vụ đầu tiên của Khoáng sản Hợp Thành có liên quan đến Bộ GTVT. Công ty này từng đề xuất đổi ngang một toà nhà tại quận Cầu Giấy để lấy 8.000 m2 đất vàng trụ sở Bộ GTVT tại Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm tuy nhiên bị Bộ Tài chính phản đối vì không qua đấu giá công khai.

1

 Cảng Quy Nhơn là thương vụ cổ phần hoá đáng chú ý dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT 

Ngoài ra, còn có dự án toà nhà văn phòng trên đất vàng 69 Nguyễn Du, Hoàn Kiếm có liên quan đến Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC). 

Chủ tịch HĐQT và là người sáng lập Khoáng sản Hợp Thành là ông Lê Hồng Thái. Quá trình phát triển của doanh nghiệp này mang nhiều dấu ấn của ngành dầu khí cũng như ngành giao thông vận tải.

Năm 2010, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh đã ký trình ông Lê Hồng Thái làm Uỷ viên HĐQT. Ông Thái đồng thời là Chủ tịch HĐQT PVC IMICO - một thành viên của PVC.

Đáng chú ý, ngay sau khi UBKTTW đề nghị thanh tra quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn, ngày 30/3/2017, ông Lê Hồng Thái đã bất ngờ rút toàn bộ vốn tại Khoảng sản Hợp Thành. 

Tổng công ty Vận tải Đường thuỷ và nhà đầu tư Vạn Cường

Ngày 19/3/2013, Tổng công ty Vận tải Đường thuỷ (Vivaso) đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần nhưng chỉ 550.700 cổ phần bán được với giá 10.000 đồng/cổ phần. 

Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường 1 tuần sau đó bất ngờ xin mua toàn bộ hơn 14 triệu cổ phần chưa bán hết. Sau khi nắm giữ 45% số cổ phần (15 triệu cổ phiếu) của Vivaso, Vạn Cường tiếp tục đăng ký mua thêm 20% cổ phần.

Thâu tóm thành công Vivaso với giá bèo bọt nhưng Vạn Cường lại qua đó nắm trong tay quỹ đất rất lớn, lên tới 50ha, gồm các vị trí giá trị lớn như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hay các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…

Với kịch bản tương tự, Vạn Cường sau đó thông qua chính Vivaso đầu tư 32 tỷ đồng để sở hữu 65% vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam, mà mục đích cuối cùng chắc hẳn không phải để vực dậy thương hiệu làm phim lâu đời, mà chính là quỹ đất vàng hàng nghìn mét vuông quanh Hồ Tây.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình vào đầu tháng 10 vừa qua đã chỉ đạo thanh tra quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. 

Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường được thành lập từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Doanh nghiệp do ông Nguyễn Thuỷ Nguyên làm Tổng giám đốc có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, là nhà thầu quen mặt, được Bộ GTVT giao nhiều dự án thi công đường bộ lớn trên QL 1A hay QL14.

Cienco1 và nhà đầu tư Yên Khánh

Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) được IPO vào ngày 21/03/2014 với 16.183.500 cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần – chiếm 23,12% vốn điều lệ. Đến cuối năm 2014, Bộ GTVT tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước cho các nhà đầu tư. 

Vào giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh, nắm 35,58%. 

Video: Bắt tạm giam ông Đinh La Thăng

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh nay đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, gồm các cổ đông là Đinh Ngọc Liên, Đinh Thị Hiên và Vũ Thị Hoan. Mẹ ruột bà Hoan cũng là một người họ Đinh khác - bà Đinh Thị Lưu.

Cienco1 và Yên Khánh là 2 trong 3 bên trong liên danh đầu tư vào dự án BOT Việt Trì (Cienco1 nắm 20%; Yên Khánh sở hữu 40%). 40% vốn còn lại thuộc về Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn hiện là ông Đinh Ngọc Hệ.

Ở chi tiết liên quan, Giám đốc điều hành của Công ty Thái Sơn - ông Đinh Mạnh Toàn (thường trú tại Gia Viễn, Ninh Bình) là thành viên HĐQT Tổng công ty Xây dựng Đường thuỷ (Vinawaco) - một đơn vị thuộc Bộ GTVT được cổ phần hoá năm 2014...

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn