Những chuyện dở khóc dở cười của nữ tài xế xe ôm công nghệ

Giới trẻThứ Năm, 05/10/2023 07:57:00 +07:00

"Hôm nay em nghỉ làm đi, vào đây với anh, tiền công gấp ba" - nhận tin nhắn làm quen, tán tỉnh là những chuyện "ngoài chuyên môn" các nữ tài xế luôn phải đối diện.

Nếu như rất nhiều nữ tài xế xe ôm công nghệ coi chạy grab là việc làm thêm, có tính chất thời điểm thì với "bác tài" Nguyễn Thị Hòa, 26 tuổi, quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ, đây lại là nghề chính, mang lại nguồn sống cho cả gia đình.

Những cung đường trắc trở

Chị Hòa kể, cả hai vợ chồng đều ở nông thôn lên, làm đủ thứ nghề nhưng vẫn trầy trật nên chị chuyển sang chạy xe ôm Grab (GrabBike) từ hơn một năm nay. Một ngày làm việc của Hòa bắt đầu khá sớm bằng việc mở ứng dụng Grab Driver để nhận khách. Những cuốc xe có thể kéo dài đến khuya nếu còn sức lực để chạy. Cơ cực đã đành, Hòa bảo, phụ nữ chạy GrabBike sợ nhất là những tình huống "ngoài chuyên môn".

Mệt nhất là gặp mấy ông khách say và khách người nước ngoài. Chở những người say đảm bảo an toàn đã khó, đôi khi họ lại có những hành động "này nọ", rất phức tạp. Còn với khách nước ngoài, đa phần nữ GrabBike là lao động nông thôn, không có điều kiện học ngoại ngữ nên khó giao tiếp.

Hòa kể: "Có hôm em chở một ông khách Tây, chắc cũng 'xêm xêm' tuổi em thôi. Dọc đường đi ông cứ 'phát ngôn' tiếng Tây còn em 'phát ngôn' tiếng Việt, chả hiểu cái gì. Cũng say chuyện lắm nhưng mỗi người nói một kiểu, thỉnh thoảng còn phải dừng xe ra hiệu. Buồn cười nhất là lúc kết thúc chuyến đi. Cuốc xe có giá 15 nghìn đồng, anh ta đưa tờ 20 nghìn rồi cứ nhìn em chằm chằm mà bảo phờ ri".

Nữ tài xế Nguyễn Thị Hòa. (Ảnh: Hoàng Anh)

Nữ tài xế Nguyễn Thị Hòa. (Ảnh: Hoàng Anh)

"Em cũng hiểu là ý anh ta cho em 5 nghìn đồng, nhưng lúc cảm ơn xong đang định quay xe đi thì anh ta cứ 'ê ê' rồi nói 'ai lớp diu'. Câu này em hiểu, nhưng thấy anh ta có vẻ cũng say say nên em mắng cho một trận: 'Ông bị thần kinh à, yêu đương cái gì, đi lên nhà đi'. Chắc anh ta không hiểu gì vì vẫn cứ thấy đứng nhìn em cười. Chỉ tổ xấu hổ với mấy ông bảo bảo vệ chung cư. Họ trêu em: 'Người ta nói yêu kìa, đáp lại đi chứ'.

Lại còn cả mấy ông khách Việt, say đã đành, đến nhiều ông tỉnh cũng gây phiền phức. Hôm nọ, có ông khách đặt xe từ Ngã Tư Sở lên Giảng Võ. Ông ta cũng cứng tuổi rồi. Dọc đường chú cháu chuyện trò say sưa, hỏi han hoàn cảnh, công việc này nọ. Gần đến nơi ông ta ông ta đặt vấn đề: 'Hay là hôm nay em nghỉ làm đi, vào đây với anh, hôm nay anh trả tiền công cho em gấp ba'. Em sợ quá, thả khách xong phóng chạy quên cả lấy tiền cuốc xe.

Để đón được khách, số điện thoại và một số thông tin cơ bản của lái xe phải hiện trên ứng dụng đặt xe của hãng. Nhiều ông khách đi xe ôm xong, có số điện thoại, thỉnh thoảng lại nhắn tin gạ gẫm luôn tài xế’’, Hòa vừa cười vừa nói. "Gặp những vị khách như thế, em coi như mình đối diện với cung đường trắc trở".

Buồn vui lẫn lộn

Chị Nguyễn Thị Hoa, nữ giáo viên chạy thêm GrabBike nói rằng, làm nghề chạy xe vất vả nhưng cũng mang lại cho chị nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Theo chị Hoa, ưu điểm lớn nhất của nghề xe ôm là giờ giấc linh hoạt. Điều này là ưu tiên hàng đầu với những bà mẹ vừa phải kiếm tiền, vừa cần thời gian chăm lo, cơm nước, đưa đón con đi học.

"Vượt qua những ái ngại ban đầu, mỗi ngày chạy xe, gặp gỡ, trò chuyện nhiều người, mình có thêm nhiều niềm vui. Đa số khách hàng đồng cảm và rất lịch sự. Bên cạnh đó, những đồng nghiệp áo xanh cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Dù không ai biết ai, nhưng hễ gặp nhau nhìn thấy màu áo xanh là mọi người lại nở nụ cười, hàn huyên đủ thứ như thân quen lắm. Sau mỗi ngày, các tài xế thường khoe thu nhập, mọi người lại vào chúc mừng và mọi mệt nhọc như tan biến", chị Hoa nói.

Chị Hoa bảo, khi chạy xe công nghệ, chị gặp không ít tình huống dở khóc dở cười.

Chị Hoa bảo, khi chạy xe công nghệ, chị gặp không ít tình huống dở khóc dở cười.

 

Thế nhưng, trên hành trình chạy xe, chị Hoa cũng không ít lần phải rơi nước mắt. Câu chuyện đón nhầm khách và bị mắng té tát khi mới vào nghề vẫn là kỷ niệm chị Hoa không bao giờ quên.

Hôm đó, vừa mới bật app, chị Hoa đã nhận được cuốc tại khách sạn Mường Thanh (Linh Đàm) đi Cầu Giấy. Lái xe đến, một khách nam đã chờ sẵn ở cửa và nhanh chóng lên xe. Khi chị Hoa chở đến đường Nguyễn Trãi, bỗng người đàn ông gằn giọng: "Cô không biết đường à?".

Quá bất ngờ trước thái độ khó chịu của khách nhưng chị Hoa vẫn nhã nhặn: "Đi Cầu Giấy đường này nhanh nhất rồi mà anh". "Tôi đi Cầu Giấy làm gì, đi lên Đại học Y cơ mà"… Hóa ra chị Hoa đã đón nhầm khách. Do sự chủ quan của cả hành khách và tài xế nên chị Hoa đón nhầm người, khách thì lên nhầm xe.

 "Khi đang chở vị khách này, điện thoại liên tục đổ chuông nhưng tôi không nghe máy vì đó là quy định. Hóa ra vị khách đặt cuốc lên Cầu Giấy chờ lâu quá nên liên tục gọi điện. Tôi và vị khách nhầm chia tay, quay lại khách sạn Mường Thanh và may mắn vị khách kia vẫn chờ dù tôi bị mắng một trận té tát", chị Hoa kể lại.

Nỗi sợ của tài xế Grab

Chị Hoa bảo, bị khách "mắng" là chuyện xảy ra như cơm bữa đối với các tài xế GrabBike. Tắc đường đến đón muộn bị mắng. Địa chỉ quá khó tìm, đến muộn bị mắng. Trên đường đi chẳng may va quệt cũng bị mắng… 

Tuy nhiên, điều mà cánh chạy Grab sợ nhất là bị khách đánh giá 1 sao. Theo thang điểm, 5 sao là tốt nhất, ngược lại 1 sao là kém nhất. Nếu tài xế thường xuyên bị khách hàng đánh giá thấp, nguy cơ bị khóa tài khoản rất lớn.

"Dù đã cố gắng hết sức nhưng có những ‘tai nạn’ tài xế không thể lường trước được. Có khách đặt chở lên Bưu điện Bờ Hồ, hôm ấy cuối tuần và xe không thể đi vào đó. Khách phải đi bộ 200 mét nên nhất quyết đòi trừ tiền và tôi cũng đành chấp nhận. Như thế vẫn chưa hết bởi sau đó họ còn đánh giá cho tôi 1 sao", chị Thu Hương, nữ tài xế GrabCar kể lại.

Cách đây chưa lâu, cộng đồng mạng không khỏi xót xa trước hình ảnh một cô gái còn khá trẻ là tài xế xe ôm công nghệ bị khách lừa mất điện thoại. Nữ tài xế này chở khách đến khu chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). 

Khi tới chợ, vị khách ngỏ ý mượn điện thoại để vào phía trong chụp hàng mẫu rồi sẽ nhanh chóng quay lại. Nhưng khách đã biến mất cùng chiếc điện thoại của nữ tài xế. Bất lực, cô gái cũng chỉ biết ngồi bệt xuống đường, ôm mặt khóc nức nở.

Ngoài ra, có rất nhiều tài xế Grab bị khách hàng lừa bằng hình thức đặt đồ ăn rồi nhờ chuyển tiền cho người khác với lời hứa sẽ "bồi dưỡng" khi nhận hàng. Số khác lại bị "bom hàng". Những trường hợp như thế đều được công ty hỗ trợ nhưng nhiều đơn hàng không quá lớn trong khi thủ tục phức tạp nên  họ đành tặc lưỡi "do đen đủi".

Đại diện Grab Việt Nam cho biết, trong trường hợp tài xế GrabFood đã hoàn tất việc nhận món ăn, thức uống nhưng khách bất ngờ hủy đơn, cần thông báo ngay cho tổng đài Grab 028-71087018 (hoạt động 24/7) để được hỗ trợ kịp thời. Nếu xác minh thông tin đúng là khách hàng đã hủy đơn, Grab sẽ cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho tài xế, bao gồm cả việc bồi hoàn.

(Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn