Nhiều người cay đắng mất hàng chục triệu đồng khi mua tour du lịch qua mạng xã hội

Thị trườngThứ Tư, 28/06/2023 10:40:00 +07:00
(VTC News) -

Rất nhiều người mua tour du lịch trên mạng xã hội nguy cơ mất trắng vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng mà không biết kêu ai và làm thế nào để lấy lại tài sản.

Gần đây, trên các diễn đàn du lịch, xuất hiện rất nhiều bài viết cảnh báo những chiêu trò lừa đảo đặt cọc du lịch nhằm rút tiền của người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin. Theo tác giả của những bài viết này, họ chính là nạn nhân hoặc là người thân của các nạn nhân bị lừa với số tiền từ vài triệu cho đến hàng trăm triệu đồng. Kẻ xấu sẽ dùng chiêu trò như thanh lý các suất tour (đa phần là tour nước ngoài) với lý do khách hủy tour, khách chưa làm được hộ chiếu...với giá rẻ để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Sau đó, những kẻ này yêu cầu khách đặt cọc và thanh toán toàn bộ chi phí trước khi đi du lịch. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, họ chặn liên lạc hoặc lấy lý do bị hủy tour và đề nghị trả lại tiền. Nhưng theo nhiều nạn nhân, số tiền đòi lại được thường chỉ là một phần rất nhỏ so với tiền cọc trước đó và được trả trong thời gian dài, thậm chí không thể đòi lại.

Việc đặt cọc tour du lịch qua mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo. (Ảnh minh họa)

Việc đặt cọc tour du lịch qua mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo. (Ảnh minh họa)

Mất tiền, lên mạng tố cáo

Chia sẻ trong một hội nhóm về du lịch, tài khoản Hồ Mỹ An cho biết: “Tôi là một trong nhiều nạn nhân của công ty M.L Travel.

Gia đình tôi đặt chuyến đi Phượng hoàng cổ trấn (Trung Quốc) ngày 30/4 -4/5 giá trị hợp đồng khoảng 117 triệu đồng. Tuy nhiên đến ngày 29/4 sau khi gia đình liên hệ nhiều lần về lịch trình chính xác của chuyến đi, phía công ty mới báo chuyến đi bị hủy không bay được.

Sau nhiều lần gọi điện không được, cũng như hàng loạt tin nhắn, tôi mới liên hệ được với công ty này và được hứa hẹn hoàn trả lại toàn bộ 100% số tiền tôi đã chuyển theo hợp đồng dịch vụ đã ký.

Tuy nhiên sau nhiều lần thất hẹn, đến 24/5 gia đình mới tôi được trả hộ chiếu, và nhận lại 37 triệu đồng sau hai lần trả.

Đến thời điểm hiện tại công ty M.L Travel vẫn chưa hoàn trả hết toàn bộ tiền cho gia đình tôi và đồng thời tôi không thể liên lạc được. Tôi yêu cầu phía bà Trần M.L và công ty M.L Travel hoàn trả nốt số tiền 80 triệu đồng cho gia đình tôi”.

Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết chia sẻ về việc bị lừa đảo khi đặt cọc tiền du lịch qua mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài viết chia sẻ về việc bị lừa đảo khi đặt cọc tiền du lịch qua mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng đăng tải bài viết tố công ty kể trên có dấu hiệu lừa đảo chiếm dụng tiền cọc du lịch của mình, tài khoản Do Quynh Phương cho biết: “Tháng 2/2023, qua tìm hiểu trên các hội nhóm du lịch mình có ký hợp đồng mua tour du lịch với Công ty Du lịch M.L Travel với giá trị khoảng 60 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng, mình đặt cọc 70% giá trị là 42 triệu và bàn giao hộ chiếu để phía công ty làm thủ tục xin visa. Lịch trình dự kiến diễn ra vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5.

Tháng 4/2023 khi đến thời hạn đóng nốt 30% giá trị hợp đồng còn lại, do nhận thấy công ty chưa cung cấp được visa như thỏa thuận theo hợp đồng và có dấu hiệu khất lần những câu hỏi về lịch trình chuyến đi, mình đã không tiếp tục chuyển khoản.

2 ngày trước khi bay theo lịch trình, người điều hành công ty là chị Trần M.L hoàn toàn biến mất, không thể liên hệ được. Các nhân viên khác thì không nắm được thông tin gì. Kết cục không có chuyến du lịch nào diễn ra cả.

Kể từ sau dịp nghỉ lễ đến nay, mình không thể liên lạc được với chị M.L qua điện thoại mà chỉ nhận được 2 email xin lỗi và chủ động đề xuất hoàn trả cho mình 42 triệu tiền đặt cọc và hộ chiếu gốc mình đã bàn giao khi ký hợp đồng vào 17h ngày 12/5.

Đến thời điểm hẹn ngày 12/5, chị L. lại khất lần với lý do “chưa rút được hộ chiếu” của mình và chỉ chuyển khoản cho mình 10 triệu. Không một lời giải thích cũng như không hẹn ngày trả mình hộ chiếu”.

Để tìm hiểu về hàng loạt thông tin phản ánh trên, PV VTC News đã liên hệ nhiều lần với đơn vị M.L Travel qua số điện thoại trên fanpage mạng xã hội nhưng không có người bắt máy. Ngay cả địa chỉ trên phố Hàng Bông - nơi được giới thiệu là văn phòng của đơn vị lữ hành này - trên thực tế hiện cũng không có dấu hiệu nào liên quan đến M.L Travel.

Một người dân đang kinh doanh tại địa chỉ này cho biết: "Trước đây M.L Travel có hoạt động tại đây, tuy nhiên chỉ được một thời gian họ đã không hoạt động và chuyển đi từ rất lâu rồi. Giờ ở đây không có đơn vị du lịch nào cả".

Nhiều người có nguy cơ mất từ vào triệu cho đến gần trăm triệu đồng khi đặt cọc du lịch trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều người có nguy cơ mất từ vào triệu cho đến gần trăm triệu đồng khi đặt cọc du lịch trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ Công ty M.L mà còn nhiều cá nhân, đơn vị khác cũng bị người tiêu dùng bêu tên trên mạng xã hội. chứng tỏ chiêu lừa này ngày càng phổ biến, trắng trợn. Tài khoản Vân Coongg chia sẻ câu chuyện bị lừa chuyển tiền mua vé máy bay và phòng khách sạn đi Côn Đảo:

"Ngày 21/6, qua một người bạn giới thiệu, em có chuyển tiền đặt vé qua Zalo tên Tiến Anh. Vé máy bay khứ hồi đi Côn Đảo 26/6 - 28/6 là hơn 4,3 triệu đồng, tiền khách sạn 3 ngày 2 đêm là hơn 2 triệu đồng. Do bạn giới thiệu nên em chủ quan không check lại và cũng không xin số điện thoại của bạn Tiến Anh. Đến đêm hôm qua, đang chờ xe tới đón để di chuyển quãng đường 200km tới sân bay Nội Bài thì em nhận được tin nhắn của bạn Tiến Anh với 2 chữ "Sr" rồi bị chặn tin nhắn, hủy kết bạn. Em check mã vé thì được báo có đặt nhưng đã hủy rồi, hỏi khách sạn thì nhận được câu trả lời không có người nào đặt tên em cả".

Chuyên gia khuyến cáo

Nói về tình trạng nhiều người bị lừa đảo khi đặt cọc du lịch, ông Phạm Duy Nghĩa - CEO Vietfoot Travel, Phó Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam - nhận định, do còn thiếu nhiều rào cản pháp lý rõ ràng nên việc lừa đảo tiền của du khách qua mạng xã hội ngày càng phổ biến.

Hiện nay có tình trạng rất nhiều người mở mới các công ty du lịch, lấy tên công ty nhái một số đơn vị uy tín, đặt văn phòng trên phố cổ Hà Nội rất hoành tráng. Mục đích của họ là để làm hình ảnh, quảng cáo, sau khi lừa được một số tiền, họ sẽ biến mất, đóng cửa văn phòng do các hợp đồng thuê văn phòng thường chỉ có thời hạn vài tháng, hoặc thậm chí không có văn phòng nào có thật mà chỉ là địa chỉ ma”, ông Nghĩa nêu thực trạng.

Ông Nghĩa khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn những đơn vị uy tín, lâu năm và tìm hiểu thật kỹ trước khi cọc tiền: “Việc quan trọng nhất để không bị lừa phải đến từ sự cảnh giác của người dân. Để trở thành người tiêu dùng thông thái hãy bỏ công tìm hiểu, thậm chí đến tận nơi để làm việc, ký kết hợp đồng trực tiếp. Khi giao một số tiền lớn thì phải đến tận nơi, xem văn phòng của họ, kiểm tra thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mình nên quay trở lại với việc mục sở thị, mắt thấy tai nghe, không thể lúc nào cũng thấy những hình ảnh đẹp trên mạng rồi chuyển tiền cho người lạ được, như thế rất dễ bị lừa. Công nghệ hiện nay tuy rất tiện lợi nhưng không có nghĩa giao cả trăm triệu cho người khác mà không cần kiểm tra được”.

Phó Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội nhấn mạnh, đối với các cơ sở, doanh nghiệp uy tín, họ luôn sẵn sàng mời khách hàng lên làm việc trực tiếp, thậm chí làm các giấy tờ bảo lãnh để bảo lãnh hợp đồng. Nếu hợp đồng xảy ra vấn đề, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm vào cuộc ngay, như thế khách hàng sẽ không bao giờ phải lo chuyện mất tiền.

Trước đó, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo thực trạng lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, tội phạm lừa đảo gia tăng hoạt động. Những kẻ này áp dụng nhiều hình thức như: Bán tour, phòng giá rẻ; "Cò" visa, hộ chiếu; Giả mạo tổ chức, doanh nghiệp; Mạo danh để lừa chuyển tiền; Bán vé máy bay giả…Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch).

Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề…của công ty lữ hành, du lịch.

Cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.

Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Đối với các trang mạng xã hội fFanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.

Cần xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn