Nhật thực lai là gì?

Khám pháThứ Năm, 20/04/2023 10:38:27 +07:00
(VTC News) -

Nhật thực lai là gì là băn khoăn của không ít người, mời bạn đọc tham khảo các thông tin về nhật thực lai 20/4 dưới đây.

Hôm nay ngày 20/4 sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực lai đặc sắc. Vậy, nhật thực lai là gì?

Nhật thực lai là gì?

Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời, cản một phần ánh sáng đi từ Mặt Trời tới Trái Đất chúng ta. Khi đó bóng của Mặt Trăng sẽ đổ xuống Trái Đất.

Tại những vùng mà bóng Mặt Trăng quét qua, mọi người sẽ quan sát thấy Mặt Trời bị Mặt Trăng che mất một phần (nhật thực một phần), hoặc che mất hoàn toàn (nhật thực toàn phần). Thi thoảng, Mặt Trời bị che khuất phần giữa, vẫn còn để lộ ra một vòng sáng bên ngoài, ta gọi đó là nhật thực hình khuyên.

Nhật thực lai (hybrid solar eclipse) gồm nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên. Khi nhật thực lai xảy ra, một số vùng trên Trái Đất sẽ quan sát được pha toàn phần, một số vùng khác sẽ quan sát được pha hình khuyên, một số nơi khác nữa chỉ thấy được pha một phần.

Nhật thực lai là gì? - 1

Nhật thực lai là gì là băn khoăn của không ít người

Nhật thực lai ngày 20/4: Việt Nam có quan sát được không?

Trong thế kỷ 21, nhật thực lai chỉ xảy ra với tỉ lệ 3,1% số lần nhật thực diễn ra. Lần này, hiện tượng diễn ra vào ngày 20/4, bắt đầu ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, rồi qua Úc, Đông Nam Á và kết thúc trên Thái Bình Dương.

Nơi đầu tiên trên thế giới có thể nhìn thấy pha một phần của nhật thực lần này là vào khoảng 8h34 ngày 20/4 (giờ Việt Nam).

Nơi đầu tiên trên thế giới chứng kiến được pha toàn phần của nhật thực lai vào khoảng 9h37 (giờ Việt Nam).

Pha cực đại của nhật thực diễn ra vào 11h6 (giờ Việt Nam). Vùng trung tâm của nhật thực lần này có thể chiêm ngưỡng toàn bộ quá trình trong hơn 3 tiếng.

Ở Việt Nam có thể quan sát nhật thực lai ngày 20/4 nhưng không thuận lợi. Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết các tỉnh phía Nam có thể quan sát được pha một phần của hiện tượng, tuy nhiên với độ che khuất thấp.

Nơi thuận lợi nhất để quan sát là Ninh Thuận, Bình Thuận, tuy nhiên độ che phủ Mặt trời chỉ là 8%. Ở TP.HCM, độ che phủ chỉ 5%.

Ở quần đảo Trường Sa, người dân có thể quan sát nhật thực với độ che phủ lên tới khoảng 20%. Đây là xu hướng chung của nhật thực lai lần này, khi vùng nhìn thấy được pha nhật thực hình khuyên và toàn phần rất hẹp, đa phần trên biển.

Các chuyên gia khuyến cáo người xem không được nhìn thẳng mặt trời bằng mắt thường, mà phải sử dụng các loại thiết bị bảo vệ mắt.

Điều này giúp tránh những ảnh hưởng do bức xạ có hại từ Mặt trời.

Vân Anh
Bình luận
vtcnews.vn