Nhật Bản nâng độ tuổi đồng thuận tình dục từ 13 lên 16

Tư liệuThứ Hai, 19/06/2023 14:16:23 +07:00
(VTC News) -

Thượng viện Nhật Bản ngày 16/6 nhất trí thông qua các sửa đổi trong luật về tội phạm tình dục, trong đó nâng độ tuổi tình dục đồng thuận từ 13 lên 16 tuổi.

Trước khi luật được sửa đổi, Nhật Bản là một trong các quốc gia có quy định độ tuổi đồng thuận tình dục thấp nhất thế giới - cho phép quan hệ tình dục từ 13 tuổi - và được ban hành từ năm 1907. Động thái này của chính quyền Nhật Bản được các nhà hoạt động tại nước này hoan nghênh, mô tả đây là "một bước tiến lớn" trong nỗ lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.

Kaneko Miyuki, một nạn nhân bị tấn công tình dục ở Nhật Bản đã từng báo cáo việc mình bị tấn công tình dục khi cô mới 7 tuổi, thế nhưng cảnh sát đã có thái độ cười nhạo cô. “Tôi đã rất bối rối và sợ hãi. Họ coi tôi là một đứa trẻ và những lời nói của tôi là không đáng tin.”

Cuộc điều tra sau đó làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Sau khi bị thẩm vấn, nạn nhân được đưa trở lại hiện trường vụ hành hung mà không có mặt người giám hộ, trái với những quy định hiện thời. Thế nhưng cảnh sát chưa bao giờ đưa kẻ tấn công Kaneko ra trước công lý. Toàn bộ trải nghiệm khiến Kaneko bị sang chấn đến mức cô đã phải kìm nén ký ức về nó suốt hàng chục năm.

Đạo luật cũ của Nhật Bản từ lâu bị chỉ trích là lỗi thời và có nhiều hạn chế, phản ánh thái độ bảo thủ của xã hội thường kỳ thị và nghi ngờ nạn nhân. Sự điều chỉnh luật đã đánh dấu một chiến thắng lớn cho những người sống sót sau vụ tấn công tình dục cũng như các nhà hoạt động – những người đã dành hàng chục năm để vận động hành lang cho những thay đổi này.

Nhật Bản nâng độ tuổi đồng thuận tình dục từ 13 lên 16 - 1

Kaneko Miyuki (thứ hai từ trái sang) và một nhóm các nhà hoạt động từ Spring, một tổ chức vận động cho những người sống sót sau lạm dụng tình dục. (Ảnh: CNN)

“Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới tất cả các nạn nhân của bạo lực tình dục, những người đã cùng chúng tôi lên tiếng”, đại diện Spring – tổ chức vận động cho những người sống sót sau lạm dụng tình dục – cho biết.

Định nghĩa lại về đồng thuận tình dục

Một trong những cải cách lớn nhất trong các luật sửa đổi được thông qua ngày 16/6 là thay đổi ngôn ngữ được sử dụng để định nghĩa hiếp dâm nhằm nhấn mạnh hơn vào khái niệm đồng thuận.

Hiếp dâm trước đây được định nghĩa là hành vi “cưỡng ép quan hệ tình dục” được thực hiện “thông qua tấn công hoặc đe dọa”, bao gồm cả việc lợi dụng “tình trạng bất tỉnh hoặc không có khả năng chống cự” của nạn nhân. Luật trước đây cũng yêu cầu phải có bằng chứng về “ý định chống cự” của nạn nhân để có cơ sở buộc tội bị cáo.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động lập luận rằng điều này quá khó để chứng minh trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như khi nạn nhân trải qua phản ứng “đóng băng” hay quá sợ hãi để chống cự về thể chất.

Dựa vào kẽ hở trong luật này, một số người đã đổ lỗi cho người bị hại vì đã không đủ sức chống cự. Cùng với đó, một loạt các vụ cưỡng hiếp được tha bổng đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội trên toàn quốc.

Luật mới thay thế “cưỡng ép quan hệ tình dục” bằng “quan hệ tình dục không có sự đồng thuận” và mở rộng định nghĩa về hành hung. Trong đó chỉ rõ nạn nhân nếu chịu ảnh hưởng của rượu hoặc ma túy; bị rối loạn tâm thần hoặc thể chất; không thể lên tiếng phản kháng do bị sốc hoặc các “phản ứng tâm lý” khác; bị kẻ tấn công đe dọa về kinh tế hoặc địa vị xã hội,… đều có thể tiến hành truy tố tội hiếp dâm. 

Độ tuổi xác định đồng thuận tình dục và thị dâm 

Những thay đổi lớn khác bao gồm tăng tuổi đồng thuận tình dục lên 16 tuổi (trừ trường hợp cả hai bên đều chưa đủ tuổi thành niên) – độ tuổi quy định ngang bằng với nhiều tiểu bang của Mỹ và các quốc gia châu Âu bao gồm Vương quốc Anh, Phần Lan và Na Uy.

Luật mới cũng lần đầu tiên hình sự hóa hành vi thị dâm như yêu cầu người dưới 16 tuổi cung cấp hình ảnh nhạy cảm. Điều này sẽ giúp việc truy tố những kẻ bị cáo buộc chụp lén hoặc phát tán ảnh có tính chất tình dục mà đối tượng không hề hay biết hoặc đồng ý trở nên dễ dàng hơn. 

Nhật Bản nâng độ tuổi đồng thuận tình dục từ 13 lên 16 - 2

Các nghị sĩ Nhật Bản trong phiên họp thông qua luật sửa đổi về tội phạm tình dục tại Tokyo, ngày 16/6. (Ảnh: AP)

Một cuộc khảo sát với hơn 38.000 người Nhật năm 2022 cho thấy gần 9% trong số đó thừa nhận họ đã bị quay lén. Các nạn nhân mô tả họ bị chụp lén từ dưới váy, trong phòng thay đồ, phòng tắm. Họ cũng mô tả tác động lâu dài của những hành động đó đến tâm lý khiến họ không còn cảm thấy an toàn ở nơi công cộng.

Việc nạn nhân báo cáo hành vi này đến chính quyền cũng hiếm khi được giải quyết thoả đáng. Thông thường, cảnh sát và thậm chí những người xung quanh có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, nói rằng họ đã tự đặt mình vào nguy hiểm khi mặc váy hoặc những trang phục hở hang.

Trước đó, luật chống lại hành vi thị dâm chỉ được thực thi bởi một số chính quyền địa phương tại Nhật và có thể khác nhau giữa các quận khiến vấn đề trở nên phức tạp.

Phải kể tới là sự cố chụp lén tiếp viên hàng không tại Nhật Bản vào năm 2012 khi hành khách trên máy bay đã chụp một bức ảnh mặc váy của tiếp viên hàng không chuyến bay. Sau khi bị người xung quanh bắt gặp và tìm thấy những hình ảnh nhạy cảm trong điện thoại của anh ta, người này đã nhận tội nhưng cuối cùng lại không bị buộc tội. Nguyên nhân trắng án là do vụ việc xảy ra trên không khi máy bay đang di chuyển - vì vậy không thể biết được họ đã đi qua tỉnh nào vào thời điểm đó, do đó không thể xác định luật của địa phương nào sẽ được áp dụng.

Tuyên bố trắng án gây phẫn nộ

Nakayama Junko, một luật sư và là thành viên của tổ chức phi lợi nhuận Human Rights Now, cho biết những sửa đổi này được xây dựng dựa trên thành quả của cả một thế hệ các nhà hoạt động, những người đã cố gắng thúc đẩy sự thay đổi nhưng không mấy thành công.

“Những nhà hoạt động như chúng tôi đã chiến đấu vì điều này từ rất lâu rồi. Đó không chỉ là một phong trào đã diễn ra trong 50 năm, mà còn là tiếng nói đã được lắng nghe trong nhiều thập kỷ”, bà nói.

Bà Nakayama cho biết, những nỗ lực trước đây đã bị cản trở bởi sự trì trệ của chính phủ và đôi khi là sự phản đối thẳng thắn từ các thành viên quốc hội, những người tin rằng những thay đổi này là không cần thiết. Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi vào năm 2019 khi hàng loạt vụ hiếp dâm nổi tiếng được tha bổng, tạo nên làn sóng phản đối dữ dội trên toàn quốc.

Trường hợp gây tranh cãi nhất là vụ án một người cha cưỡng hiếp cô con gái 19 tuổi của mình ở thành phố Nagoya, miền trung Nhật Bản đã được tuyên trắng án. Tòa án công nhận rằng hành vi này là không có sự đồng thuận tình dục, họ tin rằng người cha đã sử dụng vũ lực và lạm dụng tình dục con gái mình. Song, các thẩm phán lập luận rằng cô gái đã có thể đã chống cự, điều này đã khiến họ xem xét lại và thay đổi phán quyết.

Nhật Bản nâng độ tuổi đồng thuận tình dục từ 13 lên 16 - 3

Phụ nữ Nhật Bản tổ chức biểu tình phản đối bạo lực tình dục tại Tokyo hồi năm 2021. (Ảnh: CNN)

Việc người cha được trắng án đã gây ra một loạt các cuộc biểu tình trên toàn nước Nhật. Nhiều người dân đã xuống đường trong nhiều tháng để phản đối và kêu gọi thay đổi luật pháp. Những người biểu tình cầm hoa như một dấu hiệu phản đối và ký các khẩu hiệu chống bạo lực tình dục, bao gồm cả #MeToo.

Cuối cùng, tuyên bố trắng án của người cha trong vụ án ở Nagoya đã bị hủy bỏ bởi tòa án tối cao Nhật Bản. Từ đây, tia lửa đã được thắp lên, những cải cách được đề xuất mà đã nhiều năm không thành công đã bắt đầu được thực hiện.

Phương Thảo(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn