Nhân lực chất lượng cao cho hợp tác xã - Vấn đề cấp thiết hiện nay

Thị trườngThứ Sáu, 21/04/2023 11:35:57 +07:00
(VTC News) -

Nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng nòng cốt quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngày 20/4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị: “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn” với chủ đề: Nghiên cứu, chuyển giao, dịch vụ xã hội – Đào tạo nguồn nhân lực và khởi nghiệp nông nghiệp.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh trung học phổ thông là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay. Do vậy, việc tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững là cần thiết.

Nhân lực chất lượng cao cho hợp tác xã - Vấn đề cấp thiết hiện nay - 1

Lễ ký kết hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng và đạt được những thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong bối cảnh COVID-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề nhưng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt con số kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Những thành quả này chính là minh chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân cùng toàn xã hội.

Trong đó các tỉnh Đông Bắc đã có nhiều đóng góp tích cực, thể hiện qua các trụ cột lớn như tăng nhanh hệ số che phủ rừng, trở thành vùng có tỉ lệ che phủ cao nhất toàn quốc (58%) không chỉ đảm bảo an toàn môi sinh, môi trường mà còn là cơ sở quan trọng cho kinh tế lâm nghiệp – lâm sinh phát triển; hình thành các vùng trọng điểm sản xuất và quy mô lớn, các nhóm sản phẩm nông sản: mật ong bạc hà Hà Giang, quế Yên Bái, chè Thái Nguyên, trâu Tuyên Quang, hồi Lạng Sơn, miến dong Bắc Kạn, thạch đen Cao Bằng…

Chính những nhóm sản phẩm trụ cột này đang từng bước đem lại hiệu quả cao cải thiện đáng kể sinh kế cho người dân, thậm chí nhiều hộ khá giả, giàu có. Đồng thời tạo ra lượng nông sản đặc hữu cho xuất khẩu nông sản Việt Nam…

“Tuy vậy về tổng thể, sản xuất nông nghiệp toàn vùng quy mô nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu. Đây chính là nguyên nhân căn bản đang kìm hãm việc áp dụng đồng bộ, đồng nhất các biện pháp khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến tạo ra một chu trình khép kín, sản xuất theo chuỗi giá trị, làm cho năng suất lao động, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, thiếu bền vững. Cùng với đó tác động biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt và ngày một cực đoan, đây lại là một trong những vùng chịu tổn thương lớn nhất trong cả nước”, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay.

Để tiếp tục tạo ra sự phát triển giai đoạn tới, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, vấn đề tái cơ cấu kinh tế đang được đặt ra cho các cấp, các ngành trong vùng trên tất các các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong đó khu vực nông thôn, nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, đang là thế mạnh đặc trưng của vùng Đông Bắc.

“Có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này, song, nổi lên hai vấn đề lớn cần tập trung tháo gỡ. Đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung, cũng như làm tiền đề cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản có giá trị cao nhất mà vẫn đảm bảo tính bền vững trong phát triển”, bà Lan nói.

Nhân lực chất lượng cao cho hợp tác xã - Vấn đề cấp thiết hiện nay - 2

Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng nhìn nhận, nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là lực lượng nòng cốt, quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao là giải pháp then chốt, mang tính quyết định đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao đời sống cho nhân dân”, ông Khánh nói và khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân cần nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng, thấy rõ được sự cần thiết phải cùng tham gia phối kết hợp tốt với các cơ sở đào tạo để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.

Ông Khánh nhấn mạnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời, tạo ra những cơ hội và điều kiện thuận lợi để chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.

Trước đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị: “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn” tại Mộc Châu, Thái Bình, Thanh Hóa. Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện Học viện đã và đang tổ chức tại một số địa phương trên cả nước nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp của các địa phương cũng như tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, là thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh trung học phổ thông.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn