Nguyên nhân ngập lụt diện rộng, mưa lũ khiến 5 người chết và mất tích ở Trung Bộ

Đời sốngThứ Năm, 16/11/2023 22:13:07 +07:00
(VTC News) -

Theo chuyên gia, nguyên nhân của đợt mưa lớn vừa qua ở miền Trung là do tác động của không khí lạnh, cộng thêm ảnh hưởng của gió Đông.

Video: Chuyên gia chia sẻ nguyên nhân dẫn tới mưa lũ những ngày qua ở miền Trung.

Tối 16/11, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia đã có những chia sẻ về nguyên nhân dẫn tới đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh, thành miền Trung.

Cụ thể, ngay từ chiều 10/11, Trung tâm đã phát đi tin cảnh báo mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ, các bản tin sau đó liên tục cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo mưa lớn.

"Đây là một đợt mưa lớn trên diện rộng, nguyên nhân của đợt mưa này là do tác động của không khí lạnh, cộng thêm ảnh hưởng của gió Đông, một hình thế thời tiết điển hình gây mưa lớn ở miền Trung.

Từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và phía đông Tây Nguyên với lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm, Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 1.000mm", ông Đại nói.

Ngập lụt diện rộng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. (Ảnh: Thanh Ba)

Ngập lụt diện rộng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. (Ảnh: Thanh Ba)

Chia sẻ về tình hình lũ, lũ quét, sạt lở, Phó Giám Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho hay, về lũ có diễn biến phức tạp, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận phổ biến ở mức trên báo động (BĐ)2 đến trên BĐ3. Đặc biệt từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, lũ trên các sông ở mức xấp xỉ BĐ3 đến trên BĐ3.

"Trong đợt lũ này, Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nặng nhất do tâm mưa lớn nhất nằm ở khu vực này. Mực nước tại tại các trạm Kim Long và Phú Ốc đều trên BĐ3 và thống kê cho thấy, đây là mực nước lớn nhất trong 10 năm gần đây và lớn thứ 5 trong khoảng 30 năm gần đây. Các hồ chứa đã liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt hạ du", ông Đại thông tin.

Cũng theo ông Đại, ngập úng diện rộng tại hạ du các sông thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà, trong đó ngập nặng nhất ở hạ lưu sông Hương.

Sạt lở đất đã xảy ra nhiều nơi ở các trung du và miền núi thuộc các tỉnh Trung Bộ, trong đó trọng tâm ở ven đường giao thông thuộc các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thủy (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam).

Theo nhận định của cơ quan khí tượng, trong ngày 16,17/11, trên khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình xảy ra mưa từ 20-50mm, có nơi trên 50mm; từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi xảy ra mưa từ 70-150mm, có nơi trên 200mm; từ Quảng Trị-Bình Định đến Ninh Thuận xảy ra mưa từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.

Với lượng mưa dự báo như trên, trong hôm nay ngày mai (17/11), lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có xu thế xuống chậm và dao động ở mức BĐ1-BĐ2. Lũ trên các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận khả năng lên lại và dao động ở mức BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Bình Định, Bắc Phú Yên ở mức BĐ1-BĐ2. Tình hình ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Khánh Hòa giảm nhanh sau ngày 17/11.

"Hiện nay, trên các sông, suối dòng chảy xiết, độ ẩm đất đã bão hoà, do đó rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất nên bà con cần hết sức cẩn thận khi di chuyển, cần rà soát các khu vực sinh sống những dấu hiệu như dấu hiệu nứt, sạt, trượt. Đồng thời, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để có phương án phòng, chống kịp thời", ông Đại nhấn mạnh.

Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ 13-15/11, mưa lũ ở miền Trung khiến 2 người chết (Quảng Trị 1 người, Thừa Thiên Huế 1 người), 3 người mất tích (Quảng Trị 2 người, Thừa Thiên Huế 1 người).

Mưa lớn cũng làm ngập 17.877 ngôi nhà (Quảng Trị 1.309 nhà, Thừa Thiên Huế 16.345 nhà, Đà Nẵng 83 nhà, Quảng Ngãi 140 nhà).

Về nông nghiệp, mưa lũ làm thiệt hại 122 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị 118ha, Đà Nẵng 4 ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị). 1.100 con gia súc, gia cầm, 2 ha nuôi trồng thủy sản (Quảng Trị) bị cuốn trôi.

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn