Người dân Trung Đông đổ xô tích trữ hàng hóa

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 18/03/2022 15:12:00 +07:00
(VTC News) -

Giao tranh giữa Nga-Ukraine kéo theo nỗi lo về nhu yếu phẩm ở Trung Đông trong bối cảnh các quốc gia tại khu vực này phụ thuộc vào nguồn cung từ cả Moskva và Kiev.

Ở Ai Cập, Syria, Lebanon những ngày qua, giá bánh mì và các loại thực phẩm khác tăng vọt. 

Người dân Ai Cập bắt đầu phàn nàn về việc thức ăn tăng giá, một số đăng tải các video lên TikTok để bày tỏ sự bất bình.

"Chính phủ nói các thương nhân sẽ không tăng giá và chẳng có lý do gì để họ tăng giá. Nhưng giá bánh mì đã tăng tới 50%. Món to’miyah cũng tăng giá gấp đôi", một tài khoản Tiktok có tên Mahmoud Mosa phàn nàn, đề cập tới món chả đậu gà giá rẻ nổi tiếng của Ấn Độ. 

Mua bánh mì trữ tủ đông

Trong video, Mosa nói một số thương nhân phân trần với các khách hàng rằng các nguyên liệu như dầu đều tăng giá.

Ai Cập là một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Khoảng 75% nguồn cung của nước này đến từ Ukraine và Nga.

Người dân Trung Đông đổ xô tích trữ hàng hóa - 1

Giao tranh Nga-Ukraine đẩy các mặt hàng ở Trung Đông tăng giá. (Ảnh: EPA-EFE)

Để đảm bảo nhu cầu hàng hóa cơ bản của người dân trong bối cảnh tháng Ramadan (một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo) sẽ bắt đầu vào đầu tháng 4 tới, chính phủ Ai Cập áp lệnh cấm xuất khẩu đối với dầu ăn, ngô và tất cả các loại lúa mì trong 3 tháng.

Tại Lebanon, Bộ trưởng Kinh tế Amin Salam tháng trước yêu cầu Mỹ, Canada và Ấn Độ viện trợ và giảm giá lúa mì. Đây là 3 quốc gia sản xuất loại lúa mì mềm được sử dụng để làm ra các túi bánh mì lớn hình tròn rất được ưa chuộng trong khu vực.

Sau vụ nổ cảng Beirut năm 2020, Lebanon lâm vào tình trạng thiếu hụt các hầm chứa ngũ cốc. Hiện tại, quốc gia này chỉ đủ lượng dự trữ trong 1 tháng. Điều này khiến nhiều người dân Lebanon lo ngại và đổ xô đi mua bánh mì để tích trữ trong tủ đông. 

"Trong khoảng 10 ngày, nguồn cung từ các nhà máy giảm nghiêm trọng. Nếu chúng tôi đặt 10 túi, họ sẽ chỉ gửi cho chúng tôi 2 túi", Kevork Momjian - chủ một cửa hàng bánh ở Beirut cho hay. 

Trong vài tháng gần đây, các nhà máy đóng vai trò như các cơ sở lưu trữ ngũ cốc ở Lebanon.

Dầu biến mất khỏi thị trường

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung các sản phẩm hướng dương trên toàn cầu, đặc biệt là với nhiều quốc gia nhập siêu các mặt hàng này từ Nga và Ukraine.

Các chủ cửa hàng và người dân ở Damascus, Syria nhiều ngày qua than phiền về việc dầu hướng dương và các loại dầu thực vật khác đang biến mất khỏi thị trường.

Người Syria, Iran và Iraq và một số quốc gia thường xuyên sử dụng dầu hướng dương trong nấu ăn. 

Rana Sawwa - chủ một cửa hàng nói cô không thể nhập dầu hướng dương từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra. 

Người dân Trung Đông đổ xô tích trữ hàng hóa - 2

Các nước Trung Đông phụ thuộc vào nguồn cung các mặt hàng thiết yếu từ Moskva và Kiev. (Ảnh: Middleeast Monitor)

"Các chai nhựa màu vàng đã tăng giá gấp đôi trước khi biến mất khỏi thị trường", cô cho biết. 

Dầu hướng dương đang trở thành trở thành mặt hàng được săn đón ở thị trường chợ đen. 

Sawwa bắt chồng mua một chai dầu ở Lebanon rồi tuồn lậu về Syria. 

"Tôi giữ nó ở nhà để dành cho tháng Ramadan", cô tiết lộ. 

Syria phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bánh mì trong nhiều năm qua. Chiến tranh và hạn hán kéo dài khiến quốc gia này phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ Nga. 

Nước này cũng nhập khẩu ngô từ Ukraine. Ngô được sử dụng làm thức ăn cho gia súc và cũng đang thiếu hụt.

Để đối phó với tình hình hiện tại, chính phủ Syria dự kiến ​​phân bổ các mặt hàng quan trọng bao gồm lúa mì, đường, gạo, khoai tây và dầu thực vật.

Cuộc chiến ở Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao và người dân tại các quốc gia Trung Đông cũng đang dần cảm nhận được ảnh hưởng. 

Tại Lebanon, nhiều trạm xăng hạn chế bán xăng hoặc đóng cửa, kéo theo hàng dài người tập trung tại các địa điểm này để phản đối. Chính phủ nước này đã phải can thiệp, buộc các chủ cây xăng mở bán trở lại. 

Sau khi giá xăng tăng vọt, các tuyến đường quanh Beirut bớt đông đúc hơn hẳn do người dân ở nhà, tránh đi ra ngoài. 

Các tài xế Uber cũng áp dụng chiến thuật mới. Họ nhận chuyến trên ứng dụng sau đó nhắn tin cho khách hàng để mặc cả phí. Nếu không thống nhất được mức giá hợp lý, họ sẽ hủy chuyến.

Song Hy(Nguồn: The Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn