Người dân chịu thiệt giá xăng, ai chịu trách nhiệm?

Kinh tếThứ Ba, 15/03/2016 09:04:00 +07:00

Người tiêu dùng đang phải trả giá cao hơn do chênh lệch thuế giữa xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN và xăng dầu từ các thị trường khác.

(VTC News) - Trong khi người tiêu dùng phải trả giá cao hơn do chênh lệch thuế giữa xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN và xăng dầu từ các thị trường khác thì 2 bộ Công thương và Tài Chính lại đá bóng trách nhiệm.

Người dân chịu thiệt bao nhiêu?

Trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Liên Bộ vẫn áp dụng với các mức thuế nhập khẩu MFN theo Thông tư 78 ngày 20/5/2015 với xăng là 20%, dầu diesel và madut 10%, dầu hỏa 13%.
 
Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu có thể linh hoạt tận dụng được mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN.


Cụ thể, Thông tư 165 của Bộ Tài chính ban hành tháng 11/2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 đã quy định, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hoả từ ASEAN chỉ có 5%, madut là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%. Đặc biệt, cũng từ năm nay, xăng nhập về cũng chỉ có thuế là 10%, thấp hơn một nửa so với thuế MFN và mức thuế xăng trong ASEAN.

Tuy nhiên, trong suốt cả năm 2015, mức thuế để tính giá cơ sở theo công thức tính giá xăng dầu vẫn là thuế MFN. Chênh lệch tính thuế này đã khiến người tiêu dùng phải trả tiền mua xăng dầu giá cao hơn trong khi các doanh nghiệp đầu mối càng nhập khẩu nhiều xăng dầu từ ASEAN thì càng được lợi.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, năm 2015 Petrolimex lợi nhuận sau thuế hơn 3.138 tỷ đồng, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu lên tới 1.990 tỷ đồng trong khi năm 2014 lỗ hơn 9 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo tính toán thì hiện mỗi lít xăng dầu người tiêu dùng phải gánh khoảng 55% tiền thuế, phí. Các loại thuế đánh trực tiếp vào mỗi lít xăng dầu và túi tiền của người dân là thuế nhập khẩu 1.238 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít; thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 743 đồng; chi phí định mức của doanh nghiệp là 1.050 đồng và lợi nhận định mức 300 đồng…

Ai chịu trách nhiệm?

Liên quan đến việc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn do chênh lệch thuế giữa xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN và xăng dầu từ các thị trường khác, ngày 14-3, Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu cho rằng: "Theo điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong công thức tính giá cơ sở đối với sản phẩm xăng dầu thì mức thuế nhập khẩu là mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN)".


Theo điều 36 của Nghị định 83 về thuế nhập khẩu xăng dầu: Căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các chỉ tiêu vĩ mô và dự báo giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định đối với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Bộ Công Thương cũng cho biết đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các FTA theo cam kết hội nhập quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhà nước; các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương có vai trò rất lớn trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) . Hơn ai hết, Bộ Công Thương biết rất rõ lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng. Do vậy, không thể nói rằng không biết việc chênh lệch thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng dầu (bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2015 và kéo dài cho đến bây giờ) để cứ “răm rắp” nghe theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chưa hết, theo điều 10 của Thông tư 39/2014/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn cho Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì có một bộ phận được gọi là Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu có nhiệm vụ tính toán giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu để tham mưu với lãnh đạo liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước. Tổ này gồm đại diện của Vụ thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương và Cục quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, trong đó tổ trưởng là người của Bộ Công Thương.

Còn Bộ Tài chính, rõ ràng Bộ này đã cố tình lờ đi thực tế thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu có sự chênh lệch lớn giữa các thị trường, lờ đi lợi ích hợp pháp được sử dụng xăng dầu với giá rẻ khi thuế giảm của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong thông báo của Bộ Tài chính công bố chiều 15/3, Bộ này cho rằng, Giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Căn cứ giá cơ sở xăng dầu và mức sử dụng Quỹ BOG (nếu có), các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá (tăng/giảm) theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định nhưng không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương- Tài chính công bố.

Theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN; do vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau). Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

Để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ Tài chính đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn