Nếu lừa tiền từ thiện, người liên quan nhóm 'bác sĩ Khoa' đối diện án phạt nào?

Tin nhanh 24hThứ Ba, 10/08/2021 15:44:00 +07:00
(VTC News) -

Tuỳ vào số tiền chiếm đoạt và tình tiết “có tổ chức” hay không, những người trong nhóm "bác sĩ Khoa" có thể phải chịu án phạt nặng.

Những ngày qua, câu chuyện bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ ruột để nhường cho sản phụ trên bàn sinh nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thế nhưng, trong lúc mọi người đang hướng sự cảm phục về bác sĩ Khoa thì sự thật bất ngờ được phơi bày: bác sĩ Khoa không có thực.

Nhiều người cho rằng đằng sau tài khoản Facebook tên Trần Khoa là một nhóm hoạt động có hệ thống, chuyên dựng lên những câu chuyện bi đát để trục lợi tiền từ thiện từ các nhà hảo tâm.

Liên quan tới vụ việc, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM diễn ra sáng 10/8,  ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.HCM cho biết, ngày 9/8, Sở đã làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin này và xử phạt vì chia sẻ thông tin sai sự thật.

Ông Thọ cho biết thêm, bước đầu Sở nhận định nhóm này được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng có tương tác thật. Nhóm này có hệ thống và "sống thực" trên mạng.

"Bước đầu đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền như Bộ TTTT để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM", ông Thọ nói. 

Nếu lừa tiền từ thiện, người liên quan nhóm 'bác sĩ Khoa' đối diện án phạt nào? - 1

Nhóm của "bác sĩ Khoa" được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng có tương tác thật.

Nhiều người dùng Facebook cũng phát hiện ảnh đại diện trên Facebook của bác sĩ Khoa là  ảnh của một PGS TS nha khoa ở Singapore tên là Toh Wei Seong làm việc tại đại học NUHS Singapore.

Các thành viên được bác sĩ Khoa gắn tên trong bài viết trên Facebook như PhongLam, Thy Nguyễn… đều lấy hình của các giáo sư đầu ngành về y khoa của Singapore, Đài Loan, Úc ghép vào.

Sau khi dựng lên các mảnh đời cần giúp đỡ, nhóm này đi quyên góp tiền từ các nhà hảo tâm và sử dụng số tài khoản mang tên Nguyễn Thị Minh Thy ở Bến Tre để đại diện nhận tiền.

Trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Tuỳ vào số tiền chiếm đoạt và các tình tiết như “có tổ chức” hay không, những người liên quan sẽ bị truy cứu theo khung hình phạt tương ứng theo Điều 174 BLHS hiện hành. Khung hình phạt thấp nhất là “bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Khung hình phạt cao nhất là “bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên…

"Những vụ việc này cần điều tra, làm rõ để làm sáng tỏ câu chuyện cũng như xác định có dấu hiệu tội phạm hay không. Từ đó, làm minh bạch với thông tin tiêu cực về lợi dụng hoạt động thiện nguyện để trục lợi", luật sư Nguyễn Đức Chánh cho hay.

Tối 7/8, vụ việc trên được đăng tải trên tên trang Facebook cá nhân tên Trần Khoa và một số tài khoản khác được cho là bạn bè của người này với nội dung, bác sĩ Khoa đang chăm sóc bố và mẹ cùng một sản phụ mắc COVID-19 nặng sắp sinh đôi.

Theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, bố mẹ của Khoa cũng làm trong ngành y nhưng đã về hưu. Hai cụ tham gia công tác phòng chống dịch, rồi không may mắc COVID-19 và trở nặng, được đưa vào bệnh viện nơi Khoa công tác để điều trị.

Sau thời gian điều trị bố Khoa mất, mẹ Khoa tiên lượng không qua khỏi, nên người này tự tay rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ sắp sinh. Sau đó, chính Khoa là người "nén đau thương" đi mổ bắt con giúp mẹ con sản phụ vượt qua cửa tử.

Câu chuyện lập tức được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội với nhiều bình luận tiếc thương, xót xa. Tuy nhiên, sau đó cư dân mạng cũng chỉ ra nhiều chi tiết vô lý trong câu chuyện này.

Đến ngày 8/8, Sở Y tế TP.HCM khẳng định, thông tin lan truyền ở trên là hư cấu, tại các bệnh viện của TP không có việc rút ống thở của người nhà bác sĩ để nhường cho bệnh nhân. 

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn