Chuyện ít biết về một ngày đi học của học sinh châu Á

Tư liệuThứ Hai, 07/09/2020 07:07:00 +07:00
(VTC News) -

Như Việt Nam, năm học mới 2020 đã bắt đầu ở nhiều nước châu Á, hàng chục triệu học sinh Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản lại bắt đầu vào guồng quay học tập.

Tuy văn hóa học tập mỗi nước một khác, nhưng học sinh ở Châu Á có đặc điểm chung là đều rất bận rộn với việc học tập. Tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, học sinh theo đuổi các chương trình học tập và dành thời gian luyện tập khác nhau.

Chuyện ít biết về một ngày đi học của học sinh châu Á - 1

Lớp 1521 trường Song ngữ Changjun ở Trung Quốc. (Ảnh: Medium)

Lịch học dày đặc ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, các em học sinh từ cấp 2 trở lên có lịch sinh hoạt khá nặng với 6,5 ngày học mỗi tuần. Từ 7giờ 30 đến 21 giờ là thời gian học sinh dành cho trường lớp và bài tập về nhà, và có rất ít thời gian dành cho hoạt động ngoại khóa và vui chơi.

Tại trường nội trú cấp 2 Song ngữ Changjun, có 24 lớp năm nhất với khoảng 60 em mỗi lớp. Mỗi học sinh được xếp hạng dựa trên điểm kiểm tra và thành tích học tập, các lớp được xếp dựa trên thành tích của học sinh.

Giống như nhiều ngôi trường khác ở Trung Quốc, học sinh ở đây học cùng một lớp trong suốt 3 năm trung học cơ sở, trường hợp thành tích của học sinh có sự thay đổi lớn, các em sẽ được chuyển sang lớp có trình độ phù hợp. 

Trong khi học sinh Mỹ đã quen với việc tự học trong không gian riêng, học sinh Trung Quốc lại tự học trên lớp cùng các bạn, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các em có thể tự do làm bài tập về nhà hoặc học bài trong giờ tự học, nhưng bắt buộc phải làm đủ bài tập trên lớp.

Điều đáng ngạc nhiên là giữa lịch trình học tập dày đặc như vậy, các em vẫn cố gắng dành thời gian để trau dồi tài năng, sở thích và kỹ năng xã hội, chủ yếu là trong giờ giải lao và giờ ăn.

Chuyện ít biết về một ngày đi học của học sinh châu Á - 2

Các em học sinh tại trường Song ngữ Changjun trong giờ giải lao. (Ảnh: Medium)

Hàn Quốc: Thi cử, thi cử và tiếp tục thi cử

Tại Hàn Quốc, tất cả học sinh đều phải nỗ lực để vượt qua kỳ thi Suneung tổ chức hàng năm. “Suneung” là tên viết tắt của tiếng Hàn cho bài kiểm tra khả năng học tập bậc đại học nhằm “định hướng cuộc sống”. Kỳ thi đại học quốc gia Suneung của Hàn được ví như kỳ thi SAT ở Mỹ.

Suneung bao gồm các bài kiểm tra về địa lý, đạo đức, tư tưởng Hàn Quốc, luật, chính trị, lịch sử thế giới và vô số chủ đề khác. Đạt được điểm cao không chỉ là minh chứng cho năng lực học tập mà còn là chìa khóa quyết định cuộc đời của công dân Hàn Quốc.

Học sinh nước này bắt đầu luyện thi Suneung ngay từ 13 hoặc 14 tuổi, bằng cách tham gia các viện nghiên cứu. Các trường học đều cho học sinh luyện thi hàng giờ mỗi ngày sau khi kết thúc tiết học bình thường. Mỗi ngày các em học tối đa 16 giờ, với mong muốn đỗ vào những tường đại học danh tiếng như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, thường được gọi bằng từ viết tắt “SKY”.

Theo BBC, trong số hàng trăm nghìn người tham gia kỳ thi, chỉ khoảng 2% là đỗ. Nhưng sau khi đỗ đại học, hàng triệu người Hàn Quốc vẫn buộc phải tiếp tục học ngay cả khi đã tốt nghiệp.

Tôi học mỗi ngày, bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 1 giờ đêm”, Lee Jin-hyeong, 35 tuổi, đang theo học chuyên ngành khoa học máy tính tại trường đại học và đang chuẩn bị tham gia kỳ thi công vụ để trở thành cảnh sát, cho biết.

Nguyên nhân là tại Hàn Quốc, nhiều vị trí làm việc chủ chốt hoặc công việc tại các tập đoàn lớn như Samsung, LG và Hyundai đều yêu cầu chứng chỉ hoặc các bằng cấp cao.

Chuyện ít biết về một ngày đi học của học sinh châu Á - 3

Một thí sinh chuẩn bị cho bài kiểm tra Suneung ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: EPA)

Tôi bắt đầu làm những bài kiểm tra kiểu này từ khi học tiểu học”, Minji Kim, 29 tuổi, cho biết và chia sẻ rằng cô đã trải qua hơn 50 kỳ thi. “Đối với một số kỳ thi, tôi biết chúng có khả năng thay đổi cuộc đời, vì vậy tôi không thể ra ngoài vào cuối tuần mà dành toàn bộ thời gian cho việc học”.

Cô Kim cho biết thêm những bài kiểm tra này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và thường yêu cầu người nộp đơn “tạm dừng lịch sinh hoạt” để ưu tiên cho kỳ thi.

Nhưng ngay cả khi đã nhận được việc làm, người Hàn vẫn phải thi tiếp để thăng tiến trong công việc: “Nếu bạn muốn được thăng chức, bạn cần phải thực hiện bài kiểm tra để được thăng chức. Ví dụ, bạn cần đạt được một mức điểm hoặc giấy phép cụ thể nào đó”, cô Kim nói.

Học sinh Nhật Bản: Trường học là nhà

Hệ thống giáo dục Nhật Bản là một trong những tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất tới giới trẻ Nhật Bản, do học sinh nước này dành phần lớn thời gian tại trường.

Học sinh Nhật Bản dành tới 240 ngày mỗi năm ở trường. Thậm chí trong cả thời gian chuẩn bị lễ hội và sự kiện hàng năm của trường như Ngày Văn hóa, Ngày Thể thao, dã ngoại,...học sinh Nhật vẫn dành nhiều thời gian trên lớp hơn so với học sinh Mỹ. Theo truyền thống, thứ Bảy học sinh được nghỉ.

Sau bậc trung học cơ sở, học sinh theo học tại các trường dựa trên điểm thi tuyển sinh trung học phổ thông. Do đó, một số học sinh phải đi một quãng đường rất xa để đi học.

Thông thường, học sinh trung học Nhật Bản đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường nếu khoảng cách không quá lớn. Nếu ở xa, họ phải đi xe buýt hoặc tàu điện. Nhiều em học sinh mất tới 2 giờ mỗi ngày để di chuyển.

Mỗi sáng, giờ học bắt đầu lúc 8h30 và học sinh thường về nhà sớm nhất vào 6h30 chiều, do còn sinh hoạt câu lạc bộ sau giờ học. Hành vi của học sinh trên đường đến trường cũng được quy định bởi các chính sách của các trường. Một số hoạt động nơi công cộng như nhai kẹo cao su, ăn vặt, đọc sách khi đi dạo,... đều bị cấm.

Lớp học sẽ bắt đầu với nhiệm vụ điểm danh và đọc thông báo. Các hoạt động này thường do học sinh tự thực hiện theo lịch trình luân phiên gọi là "toban". Mỗi lớp có trung bình từ 40 - 45 người. Học sinh dành hầu hết thời gian ở trong một phòng học trong khi các giáo viên di chuyển giữa các lớp, trừ giờ thể dục.

Trong giờ nghỉ giải lao và giờ ăn, lớp học có thể rất ồn ào, náo nhiệt. Không phải trường nào cũng có nhà ăn nên các em thường mang cơm từ nhà đi.

Chuyện ít biết về một ngày đi học của học sinh châu Á - 4

Học sinh tại thành phố Saga, tỉnh Saga trở lại trường, sáng 6/4. (Ảnh: Kyodo/ Japan Today)

Tuy việc lựa chọn khóa học và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục Nhật Bản quyết định, nhưng các trường vẫn có quyền tự chủ hạn chế trong việc phát triển chương trình giảng dạy của họ.

Học sinh ở các trường trung học phổ thông thường học 3 năm cho mỗi môn sau: Toán, Xã hội học, Tiếng Nhật, Khoa học và Tiếng Anh. Các môn học khác bao gồm giáo dục thể chất, âm nhạc, nghệ thuật và nghiên cứu đạo đức. Tất cả học sinh trong một cấp học các môn giống nhau.

Tới cuối ngày, tất cả học sinh cùng tổng vệ sinh trường học. Họ quét các lớp học và hành lang, đổ rác, dọn phòng vệ sinh, lau bảng và nhặt rác trên sân trường. Sau đó hầu hết các em sẽ tụ tập để họp câu lạc bộ ngay tại trường.

Trần Trang
Bình luận
vtcnews.vn