Mở rộng thiết kế tiêm kích Su-75, Nga muốn cạnh tranh với F-35 của Mỹ

Quân sựThứ Bảy, 22/07/2023 09:46:00 +07:00
(VTC News) -

Ngoài biến thể một chỗ ngồi được giới thiệu năm 2021, Tập đoàn UAC đã phát triển thêm phiên bản Su-75 hai chỗ ngồi và không người lái.

Theo EurAsian Times, Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất nhà nước của Nga (UAC) vừa cho đăng ký bằng sáng chế một số sửa đổi đối với thiết kế ban đầu của dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Su-75 “Checkmate”. Những sửa đổi này được đánh giá giúp Su-75 trở nên hấp dẫn hơn đối với các khách hàng tiềm năng đồng thời có thể đáp ứng nhu cầu của không quân Nga trong tương lai.

Dựa trên bằng sáng chế UAC nộp cho cơ quan sở hữu trí tuệ Nga, Su-75 sẽ có thể biến thể hai chỗ ngồi và biến thể không người lái. Trong khi đó thiết kế ban đầu của Su-75 chỉ một chỗ ngồi với một động cơ phản lực.

Bên cạnh đó, UAC cũng sửa đổi lại thiết kế cánh của Su-75 so với phiên bản được giới thiệu tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021 và triển lãm hàng không Dubai 2021.

Mở rộng thiết kế tiêm kích Su-75, Nga muốn cạnh tranh với F-35 của Mỹ - 1

Phiên bản Su-75 được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm MAKS-2021.

Thay đổi thiết kế

Có thể quan sát thấy một trong những thay đổi quan trọng trong thiết kế cánh so với mẫu được trưng bày tại MAKS-2021 và Triển lãm hàng không Dubai 2021, nơi lần đầu tiên mẫu được trưng bày quốc tế.

Sửa đổi này liên quan đến việc mở rộng và tạo góc cho mép phía sau của cánh Su-75 nhằm tăng diện tích cánh đồng thời cải thiện khả tăng tàng hình ở đuôi máy bay.

Ngoài ra, UAC có vẻ đã đạt được bước tiến trong việc hoàn thiện động cơ cho Su-75. Khung máy bay cũng được sửa đổi nhằm tăng sức chứa bên trong thân.

Sự thay đổi này cho thấy khả năng mở rộng khoang vũ khí bên hông để chứa tên lửa không đối không tầm ngắn hoặc tăng khả năng chứa nhiên liệu cho Checkmate, thậm chí cả hai cải tiến này.

UAC cũng giới thiệu khái niệm “máy bay tàng hình hai chỗ ngồi một động cơ” trên dòng Su-75 tương tự các mẫu tiêm kích Sukhoi khác của hãng. Vị trí phi công thứ 2 sẽ cao hơn so với vị trí đầu tiên nhằm cải thiện tầm nhìn cho phi công.

Các chuyên gia nhận định phiên bản Su-75 hai chỗ ngồi ngoài nhiệm vụ máy bay huấn luyện cũng có thể đóng vai trò như một máy bay chỉ huy cho các máy bay không người cỡ nhỏ bay cùng.

Cấu hình này sẽ cho phép Su-75 phối hợp và quản lý hiệu quả các hoạt động liên quan đến nhiều thiết bị không người lái, thể hiện tính linh hoạt và khả năng thích ứng của nó trong các tình huống chiến tranh hiện đại.

Bên cạnh thiết kế máy bay có người lái, một biến thể không người lái của Checkmate cũng được giới thiệu với các tính năng gần như tương đồng.

Phiên bản không người lái này đại diện cho một tính năng chính đang được phát triển cho các hệ thống chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ sáu đang được UAC phát triển. Hệ thống này được mô tả là "có chế độ lái tùy chọn" trong một số báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga.

Tuy nhiên, việc phát triển một biến thể không người lái của Su-75 làm nổi bật định hướng tương lai của Nga đối với các hệ thống chiến đấu trên không, khẳng định vai trò ngày càng tăng của các công nghệ không người lái trong việc đạt được ưu thế trên không.

Mở rộng thiết kế tiêm kích Su-75, Nga muốn cạnh tranh với F-35 của Mỹ - 2

Thiết kế cánh của Su-75 được mở rộng về phần đuôi máy giúp tăng tiết diện cánh và cải thiện tính năng tàng hình.

Cạnh tranh trực tiếp với F-35

Trả lời phỏng vấn EurAsian Times, một cựu phi công F-35 giấu tên nhận xét rằng những sửa đổi thiết kế của một máy bay chiến đấu hiện đang trong quá trình phát triển là điều luôn xảy ra và không nên được coi là bất thường.

Nguồn tin của EurAsian Times cho rằng, Su-75 của Nga chủ yếu vẫn đang ở giai đoạn ý tưởng và nó sẽ có những sửa đổi dựa trên kết quả thử nghiệm trong giai đoạn phát triển.

Điều đó cũng có nghĩa hành trình giúp đưa Su-75 từ bản thiết kế lên trên bầu trời còn khá dài, trong khi đó không có gì đảm bảo Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục theo đuổi dự án này do ngân sách được tập trung cho chiến dịch quân sự đặc biệt.

Dù vậy truyền thông Nga vẫn thường xuyên đề cập đến cam kết của quan chức công nghiệp quốc phòng nước này trong việc thúc đẩy chương trình Su-75. Bên cạnh đó Checkmate là một sản phẩm mới giúp ngành hàng không Nga nắm bắt kịp nhu cầu tiêm kích tàng hình trên thị trường.

Thiết kế của Checkmate được cho là dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật được Nga xây dựng trong quá trình tạo ra biến thể xuất khẩu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57E.

Các chuyên gia tin rằng một số công nghệ như hệ thống trên máy bay, buồng lái và các yếu tố khác cũng sẽ được lấy từ máy bay Su-57.

Cách tiếp cận này dự kiến ​​sẽ giảm chi phí và nâng cao hiệu quả bảo trì, vì việc tận dụng các công nghệ và cơ sở hạ tầng hiện có có thể hợp lý hóa quy trình sản xuất và tối ưu hóa quy trình bảo trì.

UAC cũng cho biết, cả Su-57 và Su-75 có thể phối hợp với các phương tiện bay không người lái trong nhiều nhiệm vụ trên không theo thời gian thực.

Một số chuyên gia phương Tây lại cho rằng, Moskva đã cố tình phát triển Su-75 Checkmate để cạnh tranh trực tiếp với F-35 của Mỹ trong vai trò máy bay thế hệ thứ năm, nhằm thu hút các đồng minh và khách hàng tiềm năng của Nga trên toàn thế giới.

Một số đồng minh của Mỹ, bao gồm nhiều quốc gia châu Âu, hiện đang sử dụng hoặc đang trong quá trình mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35. Ngược lại, Moskva chỉ đạt được những bước tiến hạn chế trong việc triển khai máy bay chiến đấu tàng hình trong lực lượng không quân nước này.

Mở rộng thiết kế tiêm kích Su-75, Nga muốn cạnh tranh với F-35 của Mỹ - 3

Su-75 được xem là sự bổ sung cần thiết cho ngành công nghiệp hàng không Nga nếu muốn cạnh tranh với Mỹ và phương Tây trên thị trường vũ khí trong tương lai.

“Ngay cả chương trình Su-57 của Nga cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc đạt được hiệu quả và khả năng sẵn sàng hoạt động mong muốn, điều này đã cản trở việc triển khai rộng rãi của nó”, cựu phi công F-35 nói với EurAsian Times.

Ông giải thích rằng “việc so sánh F-35 với chương trình máy bay chiến đấu Checkmate của Nga là phi thực tế”.

Theo cựu phi công F-35, “tương lai của chương trình Checkmate vẫn chưa chắc chắn, trong khi chương trình F-35 đại diện cho một nền tảng tiên tiến và được thiết lập tốt".

Về khả năng xuất khẩu Su-75, cựu phi công F-35 cho biết mặc dù trên giấy tờ loại máy bay này có vẻ hứa hẹn và là một lựa chọn hấp dẫn cho các nước đang phát triển, nhưng các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga sẽ cản trở cơ hội được bất kỳ quốc gia thân thiện nào đặt hàng.

Cựu phi công nêu ví dụ về Indonesia, nước đã từ bỏ kế hoạch mua máy bay Su-35 'Flanker-E' và thay vào đó chọn mua Rafales của Pháp, có thể do tác động tiềm ẩn của các lệnh trừng phạt.

“Nhiều quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, đã phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của họ. Do đó, sẽ là phi lý nếu các quốc gia này mua một máy bay chiến đấu tàng hình mới từ Moskva”.

Tuy nhiên, những sửa đổi đối với thiết kế ban đầu là bằng chứng cho thấy quá trình phát triển Su-75 Checkmate vẫn đang tiếp diễn, bất chấp những thách thức và trở ngại còn ở phía trước.

Trà Khánh(Nguồn: The Eurasian Times)
Bình luận
vtcnews.vn