Mái ấm của những đứa trẻ đặc biệt ở Gia Lai

Sống đẹpThứ Hai, 12/02/2024 06:45:00 +07:00
(VTC News) -

Bằng tình thương yêu vô bờ bến, những cán bộ từng ngày nuôi nấng và xoa dịu nỗi đau tinh thần của hàng chục thân phận bất hạnh để các em lớn lên...

Dành trọn yêu thương

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai hiện đang là mái nhà chung của 125 mảnh đời khó khăn là trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn, người bị bệnh về thần kinh... Trong đó, có 60 em trong độ tuổi từ 1 - 20 tuổi. Hầu hết các em là người đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Ba Na... bị bỏ rơi, không được công nhận ngay khi mới lọt lòng.

Gần 60 đứa trẻ ở đây hầu hết đều bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Gần 60 đứa trẻ ở đây hầu hết đều bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Trong đó, phải kể đến hoàn cảnh của 3 chị em Vũ T.T. (SN 2008), Vũ Thị T.H (SN 2011) và Vũ V.Q (SN 2012) bị cha mẹ bỏ rơi từ 3 năm trước.

Vũ T.T chia sẻ, vì gia đình quá khó khăn, em đang học lớp 5 thì mẹ vào Bình Dương làm công nhân. Mẹ chỉ về thăm nhà mỗi năm một lần. Được một thời gian, vào năm 2020, bố của em cũng bỏ đi mất tích, để lại 3 con thơ.

Tìm cách liên lạc với bố mẹ nhiều lần không được, 3 chị em đành sống nhờ tình thương của hàng xóm. Được gần một tháng, ba chị em T. đã được xã Chư Pơng (huyện Chư Sê, Gia Lai) giúp đỡ và chuyển đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai để được nuôi dưỡng. Cuộc sống của 3 chị em đã thay đổi kể từ ngày được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.

"Ở đây, em được chăm sóc, yêu thương và chúng em cảm nhận được tình cảm gia đình dù không có cha mẹ kề bên. May có sự giúp đỡ, sẻ chia nên 3 chị em em đỡ thấy buồn tủi", em Vũ T.T tâm sự.

Các em được chăm sóc, dạy dỗ bằng tình yêu thương của các cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai.

Các em được chăm sóc, dạy dỗ bằng tình yêu thương của các cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai.

Hay như trường hợp cùa em Kpuih Pap (12 tuổi). Kpuih Pap bị cha mẹ bỏ rơi và được Trung tâm nuôi dưỡng từ khi em chỉ mới được 3 tháng tuổi.

Khuôn mặt sáng, lanh lợi, đôi mắt biết nói, một tiếng dạ hai tiếng vâng, Kpuih Pap khiến người đối diện yêu mến ngay từ lần đầu tiếp xúc. Cô bé đang là học sinh lớp 6 với thành tích học tập khá tốt, được bạn bè, thầy cô yêu thương. Nhìn Kpuih Pap, không ai nghĩ em từng là một cô bé rụt rè, bị trả về khi đi học vì tiếp thu chậm.

Cô Phạm Thị Huệ, nhân viên đã công tác hơn 10 năm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, để Kpuih Pap cởi mở, hòa đồng như hiện tại là cả một quá trình cố gắng của cả cô và trò.

"Thời điểm Kpuih Pap bị trả về khi đang đi học, chúng tôi ai cũng buồn, cũng thương em. Để em không nản chí, tôi đã nhờ cô giáo tới dạy kèm riêng cho em tại Trung tâm. Đến bây giờ, em Pap đã cởi mở, hòa đồng với các bạn, điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, cô Huệ tâm sự.

Như một gia đình

Trong suốt thời gian qua, trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên đã giúp nơi đây trở thành mái nhà chung, một gia đình lớn của các em. Nhờ Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai mà các em vượt lên mặc cảm, tự tin trở thành những công dân tốt.

Nhờ Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai mà các em vượt lên mặc cảm, tự tin trở thành những công dân tốt.

Nhờ Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai mà các em vượt lên mặc cảm, tự tin trở thành những công dân tốt.

Bà Tạ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai cho biết, hầu hết các trường hợp ở Trung tâm đều là con em người đồng bào dân tộc thiểu số có chung hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi, gặp những vấn đề tâm lý hay trẻ em lang thang, cơ nhỡ… Khi vào Trung tâm, các em rất khó hòa nhập, thích nghi với môi trường tập thể. Do đó, các cán bộ ở đây đã dùng chính tình yêu thương của mình, quan tâm, chăm sóc và chia sẻ để các em không bị mặc cảm với hoàn cảnh của mình.

Ở đây, các em được tạo điều kiện tốt nhất trong học tập, vui chơi, được định hướng, giúp đỡ học nghề phù hợp với bản thân. Nhiều em theo đuổi được ước mơ đại học, có công ăn việc làm ổn định. Đáng nói, có nhiều em còn quay lại Trung tâm để chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ ở đây.

"Theo quy định, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh sẽ chăm sóc các em cho đến khi đủ 22 tuổi. Nhiều em sau khi trưởng thành có công ăn việc làm ổn định.Có rất nhiều em học giỏi, thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Để các em tiếp tục theo đuổi ở bậc đại học, chúng tôi đang kết nối với các nhà hảo tâm nhằm tìm nguồn tài trợ, qua đó tiếp tục nuôi dưỡng các em cho đến khi hoàn thành khóa học và ra trường để tìm được nghề nghiệp ổn định", bà Đào nói thêm.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn