Lương giáo viên sẽ thay đổi thế nào sau cải cách tiền lương 1/7/2024?

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 11/10/2023 15:43:08 +07:00
(VTC News) -

Nếu Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương mới (dự kiến từ 1/7/2024), bảng lương của giáo viên sẽ có sự thay đổi.

Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018 (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024). Nếu chính sách này được thông qua, thu nhập của giáo viên cả nước sẽ thay đổi đáng kể.

Cụ thể, Nghị quyết 27 quy định cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Lương giáo viên mới = Lương cơ bản (70%) + Phụ cấp (30%)

Hệ thống lương mới dự kiến gồm 5 bảng lương, trong đó 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo (trong đó có giáo viên).

Mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức sẽ có nhiều bậc lương khác nhau, theo nguyên tắc tuỳ vào mức độ phức tạp công việc; điều kiện lao động và ưu đãi nghề thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.

Tới đây, Chính phủ cũng sẽ sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Lương giáo viên sẽ thay đổi thế nào sau cải cách tiền lương 1/7/2024? (Ảnh minh hoạ: GDTĐ)

Lương giáo viên sẽ thay đổi thế nào sau cải cách tiền lương 1/7/2024? (Ảnh minh hoạ: GDTĐ)

Những khoản phụ cấp giáo viên được hưởng

Theo Nghị quyết 27, khi thực hiện cải cách tiền lương, các giáo viên sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp hiện hành. Trong đó, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề.

Như vậy, ngoài lương, giáo viên sẽ chỉ được hưởng 4 khoản phụ cấp sau:

Phụ cấp ưu đãi theo nghề

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề này được tính theo công thức quy định tại Mục II Thông tư liên tịch 01 năm 2006 của Bộ GD&ĐT.

Mức phụ cấp ưu đãi = Mức lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Phụ cấp này áp dụng với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thì được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề giành cho giáo viên.

Phụ cấp đặc thù

Áp dụng với giáo viên dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, đây là quy định tại Điều 1 Nghị định 113 năm 2015 của Chính phủ.

Cụ thể, công thức tính phụ cấp đặc thù như sau:

Mức phụ cấp đặc thù = 10% [mức lương hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo]

Phụ cấp giáo viên dạy người khuyết tật

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 113 năm 2015 của Chính phủ, giáo viên dạy học cho người khuyết tật được hưởng 2 loại phụ cấp: Phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi công việc.

Phụ cấp công tác vùng khó khăn

Theo Nghị định 76 ban hành năm 2019 của Chính phủ, các giáo viên dạy học, công tác ở huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1, xã đặc biệt khó khăn như xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số, miền núi, xã đảo, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp… sẽ được hưởng một số phụ cấp như: Phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên…

Chính phủ đánh giá, dù được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập (tiền lương và phụ cấp) cao hơn so với ngành, nghề khác nhưng đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Tháng 2/2023 Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Hiện Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn