Loài rau dại mọc khắp nơi nhưng ít người biết là thuốc khoẻ gan, tốt cho khớp

Tư vấnChủ Nhật, 10/09/2023 15:30:00 +07:00
(VTC News) -

Thài lài là loại cây mọc dại dùng là rau ăn, ở một số nơi thài lài được thu hái phục vụ cho chăn nuôi mà ít người biết nó là vị thuốc quý.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ cho biết, thài lài trắng có tên gọi khác là cỏ lài trắng, rau trai trắng, cỏ chân vịt. Cây mọc hoang ở những nơi ẩm ướt, ở ruộng. Ở nước ta và một số nước khác, người ta hái các ngọn non làm rau luộc hay nấu canh ăn, nên có tên là rau trai.

Trong y học cổ truyền, cây thài lài được thu hái lấy toàn cây quanh năm để làm thuốc, dùng tươi hay phơi khô.

Theo Đông y, thài lài trắng vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, tác dụng giải nhiệt, chống viêm, lợi tiểu, tiêu sưng, thường được dùng toàn cây để làm thuốc.

Thài lài là vị thuốc có tác dụng trị cảm, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm họng, viêm amiđan cấp, nhiễm trùng đường tiết niệu rất hiệu có. Có thể dùng cây khô hoạc tươi. Liều dùng 30-40g, dạng thuốc sắc.

Theo kinh nghiệm dân gian, thài lài còn được dùng để trị viêm da có mủ, giải chất độc do rắn rết, bò cạp cắn đốt đau buốt và đầu gối, khớp xương bị sưng đau. Cách làm thuốc lấy thài lài tươi giã đắp.

Loài rau dại nhiều người bỏ đi nhưng là thuốc khoẻ gan.

Loài rau dại nhiều người bỏ đi nhưng là thuốc khoẻ gan. 

Cũng theo bác sĩ Vũ, thài lài được dùng chứa tăng huyết áp với đơn thuốc thài lài trắng tươi 60-90g, hoa cây đậu tằm 12g, tất cả rửa sạch, cho 800ml nước sắc còn 300ml, uống thay trà trong ngày. Mỗi liệu trình 10-15 ngày.

Người gan yếu, da vàng dùng thài lài trắng tươi 120 g, thịt lợn nạc 60 g, nấu canh, ăn cả cái lẫn nước. Bạn dùng một lần hoặc chia ra nhiều phần ăn trong ngày. Bài thuốc này giúp tăng cường thài độc giúp cho có một lá gan khoẻ mạnh.

Thài lài là loại rau lành tính, tuy nhiên khi dùng cần lưu ý, người tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Một số bài thuốc đơn giản từ cây thài lài:

- Chữa viêm họng: Dùng rau thài lài tươi 30g sắc uống hoặc dùng 90-120g cây tươi giã nát, chiết nước cốt uống thường xuyên.

- Chữa viêm cầu thận cấp, phù thũng, đái ít: Thài lài 30g, Cỏ xước, Mã đề đều 30g, sắc uống.

- Chữa phong thấp, viêm khớp và phù tim: Thài lài thái nhỏ và Ðậu đỏ, đều 40g nấu ăn, uống cả nước.

- Chữa viêm phần trên đường hô hấp: Thài lài 30g, Bồ công anh, Dâu tằm 30g, sắc nước uống.

- Chữa rắn cắn: Thài lài 16g rửa sạch, nhai nuốt nước, bã đắp lên chỗ rắn cắn, ngày làm 1-2 lần.

- Chữa thổ huyết: Thài lài trắng tươi 60-90 g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống.

-  Chữa kiết lỵ: Thài lài trắng tươi 30g (hoặc khô 10g), rửa sạch, đổ 700ml nước, sắc còn 150ml nước, chia 2-3 lần uống trong ngày, dùng liền 5 ngày.

- Hỗ trợ điều trị phong thấp: Thài lài trắng 40g, rửa sạch, thái nhỏ và đậu đỏ 40g. Đậu đỏ, rửa sạch, đổ 800ml nước ninh nhừ. Cho thài lài trắng vào đun nhỏ lửa 10 phút, thêm chút đường, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi liệu trình 5-10 ngày.

- Chữa bí tiểu: Thài lài trắng tươi 30g, mã đề tươi 30g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm chút mật ong vào uống lúc đói bụng. Dùng liền 5 ngày.

- Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ): Thài lài trắng tươi rửa sạch, giã nát, thêm chút rượu nóng, đắp vào chỗ sưng đau rồi băng cố định lại trong 2 giờ, ngày thay thuốc một lần.

Loan Phạm
Bình luận
vtcnews.vn