Làm sao để cán bộ dám nghĩ, dám làm không theo nghĩa ‘xé rào’?

Chính trịThứ Năm, 02/11/2023 08:41:14 +07:00

Đánh giá cao việc Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, song có ý kiến băn khoăn một văn bản tầm dưới luật sẽ khó triển khai.

Quốc hội khóa XV đã kết thúc 1,5 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6 với nhiều đánh giá thẳng thắn, trách nhiệm, gợi ý các giải pháp, đồng thời cũng trăn trở về nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không dám làm.

Dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có hạn chế do tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao của bộ máy Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan.

Bởi, yếu tố con người là quan trọng nhất, đây là nguyên nhân căn cơ để đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé.

Đánh giá cao vừa qua Chính phủ đã rất cố gắng để nghiên cứu và ban hành Nghị định 73 về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, tuy nhiên, nữ đại biểu băn khoăn một nghị định không thể thay thế điều chỉnh các quy định của luật, trong khi các vấn đề quy định về quyền hạn, trách nhiệm miễn trừ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã được quy định trong các văn bản luật khác như Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Dân sự, Luật Hình sự...

“Chính vì vậy, Nghị định 73 sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện. Tôi kiến nghị nghiên cứu sớm sửa đổi pháp luật, trước tiên là Luật Công chức, Luật Viên chức để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đây cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức”, bà Nguyễn Thị Kim Bé đề xuất.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) phân tích, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 73 về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Đó là những cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ đã đề xuất và thực hiện những việc nhằm tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

Vị đại biểu đồng tình việc bỏ đi vế "đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn", bởi chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thượng tôn pháp luật, không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để khuyến khích bảo vệ những người thực thi pháp luật mà vi phạm pháp luật.

“Chúng ta phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là "xé rào", là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật, không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách nhiệm vụ mà phải tìm cách lách từ tên công trình, công việc cho đỡ chú ý đến, phải trình bày nhỏ to để cơ quan chức năng thông cảm bỏ qua, giơ cao đánh khẽ”, ông Trần Hữu Hậu nói.

Đại biểu Trần Hữu Hậu.

Đại biểu Trần Hữu Hậu.

Vị đại biểu đoàn Tây Ninh cũng nhấn mạnh, việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101 của Quốc hội là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ, giảm bớt căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành.

Cho rằng thực tế luôn biến động trong khi chất lượng xây dựng pháp luật không phải lúc nào cũng đảm bảo chất lượng cao, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh, ông đề xuất cần tìm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp.

“Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình và thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật chỉ với một hoặc một vài nội dung cụ thể theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp”, ông Trần Hữu Hậu kiến nghị, vì cho rằng làm như vậy luật sẽ kịp thời đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng, thay vì có luật khung, luật ống rồi lại chờ nghị định, thông tư.

“Luật mà gây vướng mắc, góp phần tạo sức ỳ cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước”, ông bày tỏ.

Cũng trăn trở về vấn đề năng lực và đạo đức công vụ của một bộ phận công chức, viên chức, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói rằng, biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và làm giảm niềm tin của doanh nghiệp, người dân là thực trạng đáng buồn.

Do đó, bà tán thành cao với những quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nội dung chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời, phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga.

Chúng ta đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính và thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị. Sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập với mục tiêu đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Nhưng hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, vấn đề năng lực, tinh thần, thái độ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, cho dù chỉ là một bộ phận nhỏ chưa thực hiện hết chức trách mà còn né tránh, ỷ lại, đùn đẩy, ngại khó, ngại khổ, chắc chắn sẽ là những trở ngại nhất định trong quá trình phát triển.

“Làm thế nào để bộ máy còn lại sau sắp xếp vừa đáp ứng được cả tiêu chí tinh và gọn là vấn đề vô cùng quan trọng, tránh trường hợp sau sắp xếp chỉ có một bộ máy gọn mà chưa tinh. Bởi thế, tôi đề nghị với Chính phủ, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến vấn đề đánh giá và sử dụng, sắp xếp cán bộ làm tiền đề cho mọi sự phát triển, mọi công việc trong thời gian tới”, nữ đại biểu nêu ý kiến.

Ngọc Thành(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn