Làm sao để cán bộ có thể sống được bằng lương chứ không phải bằng thu nhập?

Tin nóngThứ Năm, 19/10/2023 16:19:00 +07:00
(VTC News) -

Đặt vấn đề nếu lương quá thấp, làm sao để liêm chính, PGS.TS Trần Văn Độ cho rằng Nhà nước cần suy nghĩ để cán bộ sống được bằng lương chứ không phải bằng thu nhập.

Sáng 19/10, báo Pháp Luật TP.HCM cùng trường ĐH Luật – ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức Tọa đàm “giáo dục về phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới”.

Giáo dục con người để hạn chế lòng tham

Tại toà đàm, GS Nguyễn Đăng Dung cho rằng, chống tham nhũng là bản chất của mọi chế độ chính trị tiên tiến. Chống tham nhũng phải nằm trong bản chất của Nhà nước. Không phải có tham nhũng mới có các ban nọ, bộ kia về chống tham nhũng hay phải có quyết định thì các cơ quan này mới hoạt động.

"Bản chất con người là ham mê quyền lực, tham vật chất. Do đó, việc giáo dục con người để hạn chế lòng tham là rất quan trọng", GS Nguyễn Đăng Dung bày tỏ quan điểm.

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh TAND Tối cao trao đổi tại tọa đàm.

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh TAND Tối cao trao đổi tại tọa đàm.

Bàn luận về nội dung liên quan giáo dục phòng, chống tham nhũng, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh TAND Tối cao cho biết, cần xem xét từ cả hai góc độ nhà trường và xã hội.

"Chúng ta đã làm trong nhà trường rồi nhưng trong xã hội thì việc này đang diễn ra thế nào?", PGS.TS Trần Văn Độ đặt câu hỏi.

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, trong xã hội, qua các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, chúng ta đều giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhưng chưa hề có đánh giá, tổng kết. Trong khi, giáo dục phòng, chống tham nhũng trong xã hội rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, công nghệ thông tin... đang bùng nổ.

Giáo dục về phòng, chống tham nhũng được đề cập từ rất lâu, không phải là nội dung mới trong nhà trường. Tuy nhiên, ông Độ cho rằng nội dung này cần được tích hợp vào tất cả các môn học, có thể có một giáo trình riêng, chuyên sâu và mở rộng kết nối vào tất cả các nội dung học.

Môn học nào cũng có thể xen kẽ, lồng ghép khéo léo những nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng ở nhiều cấp học khác nhau.

"Khi xây dựng bộ quy tắc đạo đức thẩm phán, chúng tôi xác định liêm chính bao gồm thanh liêm và chính trực, không lợi dụng địa vị để thu lợi. Nếu không thanh liêm thì rất khó để chính trực. Để liêm chính, cần phải xây dựng, giáo dục", ông Độ cho hay.

Nguyên Phó Chánh TAND Tối cao bày tỏ, nhìn rộng hơn, đó là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, cần phải nuôi dưỡng văn hóa liêm chính. Ví dụ, nếu lương quá thấp, không đủ sống, làm sao để liêm chính? Nhà nước cũng cần phải suy nghĩ về vấn đề làm sao để cán bộ, viên chức có thể sống được bằng mức lương của mình, chứ không phải bằng thu nhập.

"Liêm chính không phải là một tiêu chuẩn duy nhất về đạo đức mà là một tiêu chuẩn mang tính đạo đức, có ý nghĩa hệ thống và đây là trách nhiệm của toàn xã hội", PGS.TS Trần Văn Độ nhấn mạnh.

Nên đề xuất giải thưởng về liêm chính

Tại toạ đàm, TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cán bộ bị xử lý. Điều này cũng gióng lên tiếng chuông về vấn đề liêm chính trong đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, cần thống nhất rằng liêm chính không phải khái niệm xa lạ với người Việt Nam, chỉ là ông cha chúng ta tiếp cận vấn đề này qua thơ, ca, hò, vè, mà chưa có một hệ thống chuẩn hóa.

TS Nguyễn Văn Đáng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm.

TS Nguyễn Văn Đáng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm.

Ở phương Tây, từ thế kỷ 19, họ đã hình thành nhà nước pháp quyền, văn hóa công dân, ý thức công dân... Còn chúng ta, lúc này vẫn đang trong đang trong quá trình phát triển.

"Để xây dựng liêm chính, tôi cho rằng cần xét trên bốn khía cạnh giáo dục là gia đình, trường học, bạn bè và đồng nghiệp, truyền thông đại chúng. Các không gian này không chỉ đưa tin, tuyên truyền mà còn cần phản chiếu những tấm gương thực sự liêm chính", TS Nguyễn Văn Đáng nói.

Liên quan đến giáo dục, TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng, việc tập trung vào học sinh, sinh viên là cần thiết, tuy nhiên cần xét rộng hơn trên bình diện xã hội.

"Phải chăng đã đến lúc đề xuất giải thưởng về liêm chính? Chúng ta đang bàn việc lập một Ủy ban phòng, chống tham nhũng quốc gia, vậy có nên đặt tên cơ quan đó là Ủy ban Liêm chính quốc gia? Tôi đánh giá tên này sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều và có giá trị giáo dục hơn nhiều trên bình diện toàn xã hội", TS Nguyễn Văn Đáng cho hay.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn