EVFTA chính thức thông qua: 'Đừng sớm hài lòng với các con số'

Kinh tếChủ Nhật, 23/02/2020 16:42:00 +07:00
(VTC News) -

“Người Việt hưởng lợi được bao nhiêu từ tất cả những tăng trưởng của nền kinh tế?”, câu hỏi được chuyên gia Phạm Chi Lan đặt ra khi phân tích về vấn đề EVFTA vừa được chính thức thông qua.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua ngày 12/2 đánh dấu cả một chặng đường đàm phán trường kỳ, mở ra cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, đứng trước cơ hội lớn, các chuyên gia kinh tế vẫn bày tỏ lo ngại về các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện khi gia nhập sân chơi với thị trường EU.

EVFTA chính thức thông qua: 'Đừng sớm hài lòng với các con số' - 1

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng) đặt ra các vấn đề về lợi ích mà doanh nghiệp và người dân Việt Nam thực sự hưởng được từ những con số tăng trưởng và các Hiệp định thương mại tự do.

Viện dẫn các con số về Tổng kim ngạch Việt Nam vượt mốc 500 tỉ USD vào nửa sau tháng 12/2019, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng “trị giá xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm đến gần 70% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam”. “Điều đó cho thấy cơ hội phần lớn vẫn là dành cho các nhà đầu tư nước ngoài”, bà Lan nhấn mạnh.

 “Lo ngại là chúng ta không mở được các luật pháp chính sách tương ứng cho doanh nghiệp trong nước, rốt cục doanh nghiệp trong nước không được hưởng lợi bao nhiêu mà chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, … nếu họ đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ được hưởng lợi và tận dụng Việt Nam, tận dụng thị trường Việt Nam để xuất khẩu hàng sang châu Âu. Nhất là khi họ đang khó khăn ở thị trường Mỹ và đây sẽ là điều họ sẽ nhắm đến khi Việt Nam được thông qua EVFTA”, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng phân tích.

Bà Phạm Chi Lan cũng đưa ra những cảnh báo và cho rằng đừng quá vội mừng về những con số hiện nay. “Những năm qua, Việt Nam đã đạt được các thành tích lớn về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi mình có cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì cái lợi cũng sẽ dành chủ yếu cho họ”, chuyên gia kinh tế nói.

Ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thì đầu vào cũng lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cho nên nguồn cung cấp đầu vào từ họ vẫn được hưởng lợi nhiều hơn chúng ta. Trong khi, hạn chế của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là việc vẫn chỉ tham gia khâu gia công – khâu thấp kém nhất trong chuỗi sản xuất các mặt hàng”.

Cho nên chúng ta đừng quá hài lòng với một vài những con số chung chung như thành tích xuất khẩu tăng lên, hay đầu tư nước ngoài tăng lên mà phải nhìn sâu vào vấn đề doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng lên được bao nhiêu, người Việt hưởng lợi được bao nhiêu từ tất cả những tăng trưởng đó, Đó mới là mục tiêu cao nhất của mình và là chỉ tiêu cần phải xem xét đến nhất”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận.

Bà Lan tiếp tục nhấn mạnh đến các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi EVFTA được thông qua. “Một mặt họ phải tự thân vượt lên. Trong khi đa phần các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn ở mức quy mô nhỏ và vừa, yếu về nhiều mặt thì khả năng vươn lên không dễ dàng. Ngay cả việc hiểu biết để sẵn sàng ý chí vươn lên cũng không phải đông đảo doanh nghiệp đã làm được điều đó", chuyên gia Phạm Chi lan nhận định.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn