Không chỉ quần áo, ba lô và nhãn vở cũng đồng phục, phụ huynh than trời

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 19/09/2023 15:10:00 +07:00
(VTC News) -

Phụ huynh than trời vì không chỉ có đồng phục quần áo, mà đến cả ba lô, hay thậm chí cả nhãn vở, bảng viết cũng phải "theo quy định" của trường.

Anh Nguyễn Tuấn Long (48 tuổi) có con học lớp 1 tại một trường THPT trên địa bàn quận 6 (TP.HCM) bức xúc khi nhà trường đưa ra quy định đồng phục cả ba lô. Vợ chồng anh Long lao động tự do, thu nhập bấp bênh nên các khoản phải đóng đầu năm học mới của con cũng trở thành nỗi lo "mất ăn mất ngủ". 

"Đầu năm bao nhiêu thứ phải lo mà nhà trường còn yêu cầu học sinh mua đủ thứ đồng phục từ quần áo, ba lô, vở.... Quần áo thì thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, không mua không được. Thêm vào đó là quy định phải mua cả ba lô in sẵn logo trường, không thể tìm được ngoài chợ", anh Long nói.

Trường tính giá ba lô tính gộp luôn vào combo đồng phục dao động 1,8 - 2,2 triệu/combo, với học sinh nữ, gồm các món đồ: váy, áo sơ mi, bộ đồ thể dục, ba lô, bộ vải áo dài có logo. Đồng phục nam được bán với mức giá 1,8 triệu đồng.

Biến tướng đồng phục: Không chỉ quần áo, cả giày dép, ba lô cũng phải giống nhau. (Ảnh minh hoạ: T.Q)

Biến tướng đồng phục: Không chỉ quần áo, cả giày dép, ba lô cũng phải giống nhau. (Ảnh minh hoạ: T.Q)

Nhà trường cũng lưu ý, phụ huynh phải đăng ký tối thiểu 1 combo, đồng thời, trường không bán logo riêng lẻ để dán lên đồng phục. "Với quy định này thì dù muốn hay không phụ huynh vẫn phải đặt mua tại trường. Dù nói ba lô là tự nguyện nhưng lại gộp vào combo đồng phục, nếu mua khác loại thì không được chấp nhận", anh cho biết thêm.

Háo hức có con vào lớp 1, chị Ngọc Oanh (30 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã chuẩn bị sẵn đồ dùng học tập cho con ngay thi có thông báo trúng tuyển và xếp lớp.

Tuy nhiên, khi con vào năm học mới, cả nhà chị lại phải đôn đáo sửa lỗi vì một số món đồ không đúng với yêu cầu của trường. Chẳng hạn, bìa bọc sách, bút, bảng viết của con đúng theo mẫu quy định, nếu phụ huynh không đáp ứng thì buộc sắm lại từ đầu, bao giờ "chuẩn mẫu" mới thôi.

Đỉnh điểm nhất trước ngày khai giảng, vợ chồng chị Oanh thức 2h sáng thay một loại bao bìa, nhãn vở của con vì không đúng loại nhà trường đưa ra. "Tôi thấy rất lạ, bây giờ học sinh còn phải đồng phục luôn cả bao bìa bọc sách vở. Mỗi trường lại có quy định riêng, phụ huynh biết đường nào mà lần", chị Oanh than thở.

Phụ huynh này cũng cho rằng, trường học chỉ nên quy định đồng phục là quần áo, chứ không nên yêu cầu quá chi tiết như bìa bọc sách màu gì, nhãn vở loại ra sao hay bút viết phải đúng y màu mực như thế nào. Theo chị, trường yêu cầu đủ loại đồng phục, từ quần áo đến những đồ dùng học tập nhỏ như nhãn vở, bút viết... là không cần thiết. 

"Việc này khiến nhà trường mang tiếng, giáo viên thì lại phải thêm việc thông báo tỉ mỉ về những thứ chuẩn bị, còn phụ huynh nếu sắm trước không giống quy định lại lãng phí", chị nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện trên, cô Đặng Phương Trang, 25 tuổi, giáo viên một trường cấp 2 tại Hà Nội thừa nhận, những năm gần đây một số nơi đặt ra quá nhiều quy định về đồng phục khiến phụ huynh "than trời". 

"Trước đây đồng phục học sinh khá đơn giản, chỉ quy định áo sơ mi trắng, quần hoặc váy tối màu, thêm một chiếc áo khoác mùa đông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều trường bổ sung đủ các loại khác nhau như: áo vest, đồ thể dục, thậm chí cả đồng phục ngủ trưa", cô Trang nói và khẳng định, điều này khiến các chi phí cần chi cho năm học mới trở nên nặng nề với phụ huynh học sinh. 

Nữ giáo viên này cũng nhìn nhận thẳng thắn, từ “đồng phục” trong nhà trường hiện nay, đã không còn chỉ về những bộ trang phục giống nhau của học sinh trong trường mà đã được “biến tướng" qua nhiều thứ khác. Nào là cặp sách, ba lô, bút, hộp màu, thậm chí từng chiếc nhãn vở, cái bìa bao sách vở… cũng phải một kiểu y chang nhau theo quy định chung. 

Theo cô, việc quy định luôn cả bao bìa sách vở đôi khi khiến học sinh ngại thể hiện cá tính, sáng tạo của bản thân. "Các em sẽ cho rằng, mọi thứ phải đồng bộ và giống nhau mới là đúng. Như vậy, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chính kiến cá nhân", cô giáo nêu quan điểm.

Cô Đỗ Thu Hà, 26 tuổi, giáo viên tiểu học tại Hà Nội cho rằng, đồng phục góp phần xây dựng môi trường học tập bình đẳng, không phân biệt học sinh vốn có các điều kiện khác nhau. Việc thực hiện đồng phục còn góp phần tạo nên tập thể lớp đoàn kết, gắn bó.

Tuy nhiên, mỗi học sinh có cá tính, phong cách khác nhau, vì thế, ngoài những ngày mặc đồng phục thì mặc tự chọn cũng rất cần thiết cho sự phát triển, bộc lộ tính cách của các em. "Miễn sao trang phục các em mặc thoải mái, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo thẩm mỹ và phù hợp với môi trường giáo dục", cô Hà kết luận.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh, sinh viên của một trường mặc khi đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá.

Đồng phục bao gồm: Quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép.

THI THI
Bình luận
vtcnews.vn