Iraq, Mỹ đàm phán kết thúc sứ mệnh của liên quân sau 20 năm

Thời sự quốc tếThứ Năm, 25/01/2024 09:18:15 +07:00
(VTC News) -

Iraq muốn thúc đẩy đàm phán buộc liên quân do Mỹ đứng đầu kết thúc các hoạt động quân sự và rút khỏi quốc gia Trung Đông này.

Ngày 25/1, Reuters dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Mỹ và Iraq đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về việc chấm dứt sứ mệnh liên minh quân sự quốc tế do Mỹ đứng đầu ở Iraq, đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương của hai nước này.

Cũng theo nguồn tin của Reuters, tiến trình có thể đã diễn ra vào cuối năm ngoái nhưng bị đình trệ do xung đột ở dải Gaza.

Nguồn tin của Reuters khẳng định, phía Mỹ đã gửi một thông điệp về đàm phán cho Đại sứ Mỹ tại Iraq Alina Romanowski và nó được chuyể cho Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Hussein hôm 24/1.

Sự hiện diện quá lâu của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Iraq sau khi IS bị đánh bại đang là vấn đề nóng ở quốc gia Trung Đông này. (Ảnh: Reuters)

Sự hiện diện quá lâu của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Iraq sau khi IS bị đánh bại đang là vấn đề nóng ở quốc gia Trung Đông này. (Ảnh: Reuters)

Các thông tin ban đầu cho biết, Mỹ đưa ra điều kiện tiên quyết yêu cầu Iraq can thiệp chấm dứt các cuộc tấn công của lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn vào các căn cứ của liên quân trước khi đàm phán.

Bộ Ngoại giao Iraq cho biết một lá thư "quan trọng" đã được chuyển giao và Thủ tướng Mohammed Shia' Al Sudani sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng không nêu chi tiết.

Các cuộc đàm phán dự kiến ​​sẽ kéo dài vài tháng, thậm chí là vài năm trước khi có kết quả rõ ràng. Không có gì đảm bảo là Mỹ sẽ rút quân sau khi liên quân bị giải thể.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng: “Mỹ và Iraq gần đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu cuộc đối thoại của Ủy ban quân sự cấp cao được công bố hồi tháng 8/2023”.

"Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này trong nhiều tháng. Thời điểm không liên quan đến các cuộc tấn công gần đây và Mỹ sẽ duy trì toàn quyền tự vệ trong suốt các cuộc đàm phán", quan chức này nói thêm.

Mỹ hiện có 2.500 quân ở Iraq, với vai trò cố vấn và hỗ trợ các lực lượng địa phương ngăn chặn sự trỗi dậy của phiến quân IS. Bên cạnh đó còn có hàng trăm binh sĩ từ các quốc gia đồng minh của Washington đến từ châu Âu khác cũng tham gia liên quân ở Iraq.

Sự hiện diện của liên quân ở Iraq sau khi IS bị đánh bại đang là chủ đề nóng ở quốc gia Trung Đông này, bởi lực lượng này đã ngừng các nhiệm vụ chống khủng bố từ lâu.

Trong vài năm qua, Iraq - đồng minh hiếm hoi của cả Tehran và Washington đã chứng kiến ​​các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng leo thang giữa lực lượng dân quân và liên quân kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Trong đó lực lượng dân quân đang tìm cách gây áp lực buộc Mỹ phải dừng ủng hộ Israel.

Quân đội Mỹ không chỉ ở Iraq mà ở Syria cũng trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng dân quân thân Iran. Theo thống kê liên quân đã hứng chịu ít nhất 150 cuộc tấn công từ dân quân Iraq trong suốt những năm qua.

Bạo lực leo thang đã khiến Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani kêu gọi lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu nhanh chóng rút lui thông qua đàm phán, một quá trình bắt đầu được khởi xướng vào năm ngoái. Tuy nhiên Mỹ đã nói không đàm phán cũng như rút quân khỏi Iraq.

Các lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq không có vai trò chính trị trong quốc hội hoặc chính phủ nhưng vẫn có thể tạo ra ảnh hưởng đến việc ra quyết định.

Các quan chức Iraq và Mỹ hy vọng rằng việc bắt đầu các cuộc đàm phán giải thể liên quân có thể có tác dụng làm giảm áp lực chính trị lên chính phủ Thủ tướng Shia al-Sudani và có khả năng làm giảm các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ.

Trà Khánh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn