Hy hữu: Phát hiện cây kim 4 cm trong lồng ngực bé gái 3 tuổi, do bị ngã từ 2 năm trước

Sức khỏeThứ Tư, 25/10/2017 07:43:00 +07:00

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một trường hợp hy hữu vừa xảy, khi bé gái 3 tuổi đi khám vì đau ngực và được phát hiện có đoạn gãy của cây kim trong ngực, vì bị ngã từ 2 năm trước.

Bệnh nhi là cháu N.T.H, 3 tuổi, ở Nghệ An. Khoảng một tuần trước khi nhập viện, cháu H. có biểu hiện mệt mỏi, sốt, nôn, đau bụng, gia đình lo lắng đã đưa cháu đi khám ở bệnh viện tỉnh Nghệ An.

Kết quả chụp X-quang cho thấy có dị vật ở lồng ngực bên phải của cháu H., các bác sĩ nghi là kim khâu. Sau đó, cháu bé tiếp tục được chuyển tiếp lên bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và điều trị.

Tại đây, cháu H. được các bác sĩ cho chụp X- quang và xác nhận có một chiếc kim dài khoảng 4 cm nằm ở thành ngực lưng bên phải.  

Bệnh nhân đã được hội chẩn và quyết định phẫu thuật nội soi lấy dị vật ra khỏi lồng ngực ngay lập tức. Dị vật là đoạn gãy của cây kim, dài khoảng 4cm đã được các bác sĩ lấy ra khỏi ngực cháu H. thành công.

Rất may, chiếc kim đã không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cháu bé. Hiện tại, sau 6 ngày phẫu thuật, bé H. đã ổn định và được ra viện.

22752861_1349877185134561_464492875_n

DỊ vật là chiếc kim khâu dài khoảng 4 cm được lấy khỏi lồng ngực của bệnh nhi  

Nguyên nhân cháu bé gặp phải tình trạng này khá bất ngờ. Theo gia đình cháu, khi H. được 1 tuổi, cháu từng bị ngã và có xuất hiện sưng tấy vùng lưng.

Tại thời điểm đó, cháu đã được điều trị nhiễm trùng tại chỗ, vết thương của cháu cũng ổn định và không hề có dấu hiệu bất thường.

BS. Nguyễn Văn Linh – Phó giám đốc Trung tâm Nội soi Rô bốt - Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp tham gia phẫu thuật cho biết: “Cây kim khâu bị đâm ở lưng bệnh nhi đã di chuyển, đi qua lồng ngực, xuyên vào phổi. Rất may nó không gây hậu quả quá nghiêm trọng cho bệnh nhi cho đến khi được rút ra ngoài”.

BS Lê Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương nói: "Kim khâu là vật nhọn và nhỏ nên có thể dễ dàng xuyên qua da vào cơ thể mà không gây đau đớn nhiều. Khi dị vật đã vào trong cơ thể, tùy theo sự vận động của người bệnh, kim có thể di chuyển tới nhiều cơ quan khác nhau, gây nguy hiểm cho tính mạng và khiến việc phẫu thuật lấy kim trở nên rất khó khăn”, BS Tuấn Anh cảnh báo.

Video: Nuốt phải bông tai, bé 7 tháng tuổi rách thực quản

Các chuyên gia khuyến cáo, người lớn sau khi sử dụng các vật sắc nhọn như kim khâu cần phải cất chúng vào nơi an toàn, và ngoài tầm với của trẻ em.

Trong trường hợp biết mình đánh rơi kim, cha mẹ cần tìm kiếm kỹ càng, không được để kim nằm lại trên sàn nhà, dẫn tới khả năng gây nguy hiểm cho các bé, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn