EVFTA có hiệu lực từ 1/8, cơ hội 'vàng' nào mở ra cho Việt Nam?

Đầu TưThứ Ba, 09/06/2020 14:41:00 +07:00
(VTC News) -

Sau khi Quốc hội thông qua EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan về những công việc sắp tới để thực thi hiệp định.

Đưa EVFTA vào thực thi từ 1/8

Tại cuộc điện đàm chiều 8/6, phía EU đánh giá cao sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định và coi đây là sự kiện có ý nghĩa “lịch sử” trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên. EU đề nghị đưa EVFTA vào thực thi từ ngày 1/8 tới, theo đúng quy định của hiệp định.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, phía Việt Nam đề nghị thúc đẩy việc thực thi Hiệp định EVFTA trong thời gian sớm nhất để hai bên có thể tận dụng các cơ hội từ hiệp định, nhằm cải thiện tình hình kinh tế thương mại sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua.

EVFTA có hiệu lực từ 1/8, cơ hội 'vàng' nào mở ra cho Việt Nam? - 1

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương tại buổi điện đàm.

Cao ủy EU ghi nhận và hứa sẽ trao đổi thêm với các cơ quan chuyên môn và các nước thành viên nhưng cũng cho biết, hoàn cảnh dịch bệnh ở EU vẫn tương đối khó khăn, ảnh hưởng ít nhiều đến công tác điều phối chung.

Bộ trưởng Công Thương khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác EU để đảm bảo Dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN, Hỗ trợ Liên quan đến Thương mại dành cho Việt Nam (ARISE+ Việt Nam) được triển khai trong thời gian sớm nhất có thể và thực hiện một cách hiệu quả, hỗ trợ tối đa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như việc thực thi EVFTA. Đề nghị trong quá trình triển khai, EU ưu tiên giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả hai phía.

Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng cùng tham gia triển khai các hoạt động thiết thực giúp đỡ các doanh nghiệp.

Phía EU đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam mời cộng động các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực thi Hiệp định và cho biết Phái đoàn EU tại Hà Nội sẽ cùng phối hợp để triển khai.

Về việc thành lập nhóm Nhóm tư vấn trong nước (DAG), Việt Nam khẳng định thực thi đúng và đầy đủ các cam kết trong Hiệp định EVFTA và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Việt Nam cũng đang triển khai các bước trong nội bộ để có thể thành lập 1 DAG để thực thi cam kết này. EU đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam và coi đây là điểm EU ưu tiên thúc đẩy trong tất cả các FTA.

Cao ủy EU cũng đề nghị Bộ NN-PTNT Việt Nam công nhận EU là 1 thực thể trong các biện pháp SPS trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

EVFTA mang lại cơ hội 'vàng' nào?

Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT (VnDirect) vừa đưa ra báo cáo EVFTA – Động lực phục hồi hậu COVID-19 ngày 8/6, sau khi Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định Thương mại đầu tư Việt Nam - châu Âu (EVFTA) với 100% phiếu tán thành. 

VnDirect cho rằng EVFTA thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU trong thập kỉ tới cũng như mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

EVFTA có hiệu lực từ 1/8, cơ hội 'vàng' nào mở ra cho Việt Nam? - 2

Dệt may được đánh giá thuộc nhóm hưởng lợi lớn nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu.

EU cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Hiện tại, chỉ có hơn 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% các dòng thuế, tương đương 99,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với các mặt hàng còn lại, EU cam kết cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu bằng 0%.

VnDirect cho rằng việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước ASEAN. Cụ thể, giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn 3,5-4,2% so với hàng từ Trung Quốc khi khi thuế suất giảm về 0% sau 3-7 năm. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có hiệp định thương mại tự do với EU.

Xuất khẩu sang EU cũng được dự báo tăng 42,7% vào năm 2025 so với trường hợp không có EVFTA. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu EVFTA có hiệu lực trong năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng khoảng 20% vào năm 2020, 42.7% vào năm 2025 và 44.4% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA. 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tương đương 64,5% tổng giá trị nhập khẩu từ EU. Trong vòng 10 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ hơn 98,3% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, tương đương 99,8% tổng giá trị nhập khẩu từ EU.

Hiện tại, EU là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ tư của Việt Nam. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải, đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam.

Việc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với máy móc, thiết bị chất lượng cao và công nghệ mới từ châu Âu với giá thấp hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, từ đó mở ra cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất.

Đơn cử, thịt heo đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, các sản phẩm hàng ngày sau 5 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm. Hiện tại, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10-40%. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm chăn nuôi từ EU sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam và làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn