Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Đầu TưThứ Hai, 08/06/2020 09:12:00 +07:00
(VTC News) -

Toàn bộ 457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết sáng 8/6 đã bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), toàn bộ 462 đại biểu tham gia biểu quyết đã bấm nút tán thành.

Theo quy trình, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực thực thi sau khi được Quốc hội phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau.

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA - 1

 EVFTA đi vào thực thi được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.

Ngày 12/2 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua EVFTA. Tiếp đó, 30/3, Hội đồng châu Âu đã quyết định phê chuẩn EVFTA. Đây là quyết định quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA về phía EU.

EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Hiệp định này được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tếthương mại.

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,39 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,48 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,91 tỷ USD.

Theo đánh giá, sau khi được Quốc hội phê chuẩn và đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, EVFTA sẽ là đòn bẩy tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.

Trong báo cáo được công bố ngày 19/5, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định là những lợi ích từ hiệp định EVFTA là cần thiết để duy trì thành quả kinh tế tích cực trong lúc quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, WB này nhấn mạnh rằng Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực thực thi để gặt hái đầy đủ lợi ích của hiệp định EVFTA.

Theo đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực thực thi ba vấn đề chính gồm các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng và vật nuôi và cơ chế xử lý tranh chấp giữa nhà nước - nhà đầu tư.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam nếu không sớm nghiên cứu, có chiến lược với từng mặt hàng, thị trường thì sẽ khó tận dụng lợi thế từ hiệp định.

Theo ông, nông sản, trái cây không phải có hiệp định thương mại là sẽ bán được tại các thị trường này, dù được hưởng thuế ưu đãi. Muốn vào được những thị trường khó tính như EU, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được quy định khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hoá và chỉ khi sản phẩm đạt chất lượng mới vượt qua được "tường lửa" quy định để chinh phục thị trường này.

Các dấu mốc đàm phám Hiệp định EVFTA

- Tháng 10/2010, Thủ tướng Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

- Tháng 6/2012, Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

- Sau 14 phiên đàm phán, tháng 12/2015, hai bên khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

- Tháng 6/2018, EVFTA được tách làm hai Hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA.

- Tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua cả hai Hiệp định này.

- Ngày 30/6/2019, hai Hiệp định đã được ký kết tại thủ đô Hà Nội.

- Ngày 21/01/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

- Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA.

- Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định EVFTA.

Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn