Hạt đậu ván trắng có tác dụng gì?

Dinh dưỡngThứ Năm, 16/02/2023 07:09:00 +07:00
(VTC News) -

Đậu ván trắng là thức ăn giàu dinh dưỡng không phải ai cũng biết.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, các loại cây họ đậu được sử dụng hiện nay đều không gây độc. Đậu ván hay đậu trắng thường được sử dụng ăn quả (quả non), hạt nấu chè. Từ trước đến nay nhiều người vẫn dùng đậu ván ăn quả, hạt và không thấy hiện tượng ngộ độc.

Tuy nhiên, trong các loại cây họ đậu tồn tại chất phản protein, ảnh hưởng tới quá trình hấp thu protein. Chất phản protein này sẽ mất đi hoạt tính do tác động của nhiệt (quá trình nấu chín đậu). Do vậy, nếu ăn đậu sống, nấu không chín quả, hạt bạn có thể bị khó tiêu, thậm chí là tiêu chảy… song không gây nguy hiểm tới tính mạng.

“Nếu như trước kia đậu ván trồng chẳng ai phun thuốc, thì nay việc trồng thương mại, thuốc bảo vệ thực vật được dùng nhiều. Quá trình phun thuốc trừ sâu khiến cho đậu bị nhiễm độc (độc ngoại lai) từ bên ngoài vào. Đậu ván nhiễm chất độc ngoại lai dù đun nóng ở nhiệt độ cao cũng không loại bỏ được. Nếu ăn phải quả đậu còn tồn dư chất bảo vệ thực vật có thể xảy ra ngộ độc”, PGS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.

Hạt đậu ván trắng có tác dụng gì? - 1

Trường hợp ngộ độc chè đậu trắng tại An Giang mới đây.

Đồng quan điểm, Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội khẳng định, đậu ván trắng không có độc, nó còn là vị thuốc giải quyết các vấn đề tiêu hoá. Đậu ván trắng còn được gọi là bạch biển đậu, biển đậu, bạch đậu, dùng trong rất nhiều bài thuốc để kích thích tiêu hoá.

Đậu ván trắng là cây leo sống nhiều năm, phân nhánh, cao 3m hoặc hơn. Lá 3 chét, hình trứng nhọn, mọc so le, không lông ở mặt trên, ít lông ở mặt dưới. Hoa tím thành chùm thưa ở nách lá. Quả đậu màu lục nhạt, đầu quả mỏ nhọn, cong. Hạt màu trắng có mồng ở mép. Cũng có loại hạt màu đen, màu vàng nhưng ít dùng làm thuốc. Hoa, lá, quả non luộc, xào ăn. Quả già lấy hạt nấu chè, làm nhân bánh, làm tương như đậu tương và làm thuốc.

Hạt đậu ván trắng trước khi làm thuốc lưu ý cần sao qua sau đó phối hợp với các vị thuốc khác.

“Trường hợp độc có thể xảy ra khi vì lợi nhuận mà người bán ngâm, tẩm ướp hoá chất không được phép để bảo quản, chống mối mọt hạt đậu”, Lương y Bùi Đắc Sáng nói.

Trong y học cổ truyền, hạt đậu ván trắng làm thuốc có vị ngọt, tính hơi ấm. Quy kinh: Tỳ, Vị. Tác dụng: Giải độc, tăng sức tiêu hóa, bổ dưỡng. Liều dùng: 20-30g (hạt), sắc uống hoặc tán bột uống.

Một số món ăn bài thuốc có đậu ván được Lương y Bùi Đắc Sáng giới thiệu:

1. Chữa xốn xáo, nôn mửa, ỉa chảy: Đậu ván trắng 20-30g. Sắc uống hoặc tán bột uống.

2. Chữa mùa hè thổ tả: Đậu ván trắng sao 20 30g, dấm vừa đủ. Tán bột uống với giấm (pha loãng).

3. Chữa mùa hè cảm sốt, bụng xốn xáo, nôn mửa, đầy bụng không tiêu hoặc ỉa chảy: Đậu ván trắng 20-30g, Hậu phác 16 g, Hương nhu 16g. Sắc uống.

4. Chữa tỳ vị hư yếu: Đậu ván trắng sao 80g, Hoài Sơn 80g, Ý dĩ nhân 80g. Tán bột mịn, hoàn viên, uống 16-24g/ngày, lúc đói.

Ngọc Minh
Bình luận
vtcnews.vn