Hàng loạt địa phương ven biển Quảng Ninh ngừng cấp phép tàu thuyền ra khơi

Tin nóngThứ Hai, 17/07/2023 18:31:00 +07:00
(VTC News) -

Thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, TP Móng Cái (Quảng Ninh) …ngừng cấp phép cho tàu thuyền ra khơi để tránh bão số 1.

Chiều 17/7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN& PTDS) tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy về nơi tránh trú và kết thúc công việc này trước 18 giờ ngày 17/7/2023).

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển. Thời gian tạm ngừng: bắt đầu từ 15 giờ, ngày 17/7/2023.

Quảng Ninh ngừng cấp phép cho tàu du lịch từ 15h ngày 17/7 để phòng, chống bão số 1. (Ảnh minh họa)

Quảng Ninh ngừng cấp phép cho tàu du lịch từ 15h ngày 17/7 để phòng, chống bão số 1. (Ảnh minh họa)

Tại huyện Cô Tô, từ 12h ngày 17/7/2023, huyện Cô Tô sẽ dừng toàn bộ các chuyến tàu rời các cảng, bến cho đến khi có chỉ đạo mới của tỉnh Quảng Ninh.

UBND huyện Cô Tô giao phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch, UBND các xã, thị trấn, đề nghị Hội du lịch, các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện khuyến cáo khách du lịch cập nhật thường xuyên các thông tin về cơn bão để có kế hoạch, cân nhắc, quyết định chủ động ra, vào, lưu trú huyện đảo Cô Tô trong thời gian bão dự kiến đổ bộ.

Từ thời điểm có thông báo cấm tàu, dừng tất cả các hoạt động liên quan đến du lịch như câu cá, lặn biển, tắm biển và các hoạt động trên biển, ven bờ, trừ hoạt động cứu hộ, cứu nạn.

UBND huyện Cô Tô cũng yêu cầu, trong thời gian diễn ra bão, khách du lịch tuyệt đối không ra bãi đá, bãi biển, các khu vực đã được khuyến cáo, các khu vực nguy hiểm khác (cầu cảng, âu tàu...) đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và của huyện Cô Tô về phòng, chống bão.

Các cơ sở lưu trú chủ động chủ động chuẩn bị thực phẩm, cơ sở vật chất, phương án đảm bảo an toàn tốt nhất để phục vụ du khách còn ở lại Cô Tô trong thời gian bão, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn và không thực hiện các khuyến cáo trên.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh), Phó Trưởng ban PCTT-TKCN&PTDS yêu cầu UBND các xã nhanh chóng thông tin, liên lạc kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú trán an toàn, hoàn thành trước 16h ngày 17/7.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh), Phó Trưởng ban PCTT-TKCN&PTDS yêu cầu UBND các xã nhanh chóng thông tin, liên lạc kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú trán an toàn, hoàn thành trước 16h ngày 17/7. 

Tại TP Móng Cái, kiểm tra công tác phòng, chống bão tại xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, ông Hồ Quang Huy - Chủ tịch UBND TP Móng cái yêu cầu hai xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm “3 trước - 4 tại chỗ”, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó bão, lũ. 

Khẩn trương rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, chủ động hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển để tránh trú an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

Rà soát đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch và du khách; các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; Chủ động báo cáo và thực hiện lệnh cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch. 

Cử người trực, canh gác 24/24h thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân đi lại trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.

Có phương án huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt. Rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở, tổ chức các phương án di dời người ở tại các lán trại, nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng, các công trình xây dựng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống.

Cũng trong sáng 17/7, ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố, Phó Trưởng ban PCTT-TKCN&PTDS yêu cầu UBND các xã tiếp tục rà soát toàn bộ tàu, thuyền, bè mảng, khai thác thủy hải sản trên địa bàn quản lý, thông báo nghiêm cấm các phương tiện thủy ra khơi khai thác thủy hải sản trên địa bàn; nhanh chóng thông tin, liên lạc kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú trán an toàn, hoàn thành trước 16h ngày 17/7. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động rà soát, nắm bắt thông tin, hiện trạng các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển; các cơ sở nuôi trồng thủy sản ao đầm; hướng dẫn phương án di dời trước khi bão đổ bộ.

Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đê cửa sông, cống; nhất là các vị trí xung yếu, đang thi công; tăng cường các biện pháp ứng phó với cơn bão số 1 bão TALIM.

UBND các xã cần rà soát, chủ động các phương án hỗ trợ, sơ tán các hộ dân có nhà yếu, nhà không kiên cố; bố trí lực lượng công an, dân quân xã bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân, đảm bảo các điều kiện về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân trong thời gian di chuyển, sơ tán. 

Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn