GS Ngô Bảo Châu: Nên bỏ thi tốt nghiệp

Giáo dụcThứ Sáu, 02/08/2013 03:18:00 +07:00

Nhà toán học danh tiếng cho rằng có sự trùng lặp giữa thi tốt nghiệp THPT và thi đại học nên chỉ cần một kỳ thi là đủ.

Nhà toán học danh tiếng cho rằng có sự trùng lặp giữa thi tốt nghiệp THPT và thi đại học nên chỉ cần một kỳ thi là đủ.

Mới đây, trong một cuộc hội nghị bàn về nâng cao chất lượng giáo dục, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đưa ra kiến nghị, Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thực tế kết quả đỗ tốt nghiệp rất cao, trường nào cũng đạt gần 100%.

Trong khi đó, có năm làm mạnh tay thì có trường tốt nghiệp chỉ 14%, thậm chí có trường tốt nghiệp 0%... Phó Chủ tịch nước cũng khẳng định, nếu thắt chặt quy trình thì phải thắt chặt cả khâu quản lý, giảng dạy.

Cũng theo Phó Chủ tịch nước, việc để 2 kỳ thi quốc gia diễn ra gần nhau quá gây khổ cho nhà trường, học sinh cũng như địa phương.

GS Ngô Bảo Châu hoàn toàn đồng tình với đề xuất này ở 2 khía cạnh: Trước tiên, rõ ràng có sự trùng lặp giữa 2 kỳ thi thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Theo ông, chỉ cần một cuộc thi là đủ, không cần phải đến 2 cuộc thi gần nhau như thế.

Và thứ hai, khi không đảm bảo sự trung thực của cuộc thi thì tốt nhất không nên thi nữa.

GS Ngô Bảo Châu
 Theo GS Ngô Bảo Châu, khi không đảm bảo sự trung thực của cuộc thi thì tốt nhất không nên thi nữa.
“Nếu không làm thì thôi, nếu làm thì phải làm tốt và trung thực. Thà không đi học chỉ có tấm bằng cấp 2 thì cái bằng tốt còn hơn đi học cấp 3 mà không thật thà, trung thực”, GS khẳng định.

Trước băn khoăn liệu bỏ thi tốt nghiệp THPT có ảnh hưởng lớn đến những học sinh chỉ muốn có bằng tốt nghiệp ở cấp này mà không muốn hoặc không có khả năng học lên CĐ, ĐH hay không, GS cho rằng, không nhất thiết phải có cuộc thi cấp quốc gia như hiện nay mà vẫn có thể có bằng được.

 
Nếu không làm thì thôi, nếu làm thì phải làm tốt và trung thực. Thà không đi học chỉ có tấm bằng cấp 2 thì cái bằng tốt còn hơn đi học cấp 3 mà không thật thà, trung thực
GS Ngô Bảo Châu
 
GS Châu lý giải, mọi người vẫn mong muốn có một cái bằng do Bộ GD-ĐT cấp và được cấp ở cấp quốc gia nhưng cuộc thi lại chủ yếu do các tỉnh tổ chức. Mà địa phương vẫn luôn mong có kết quả tốt hơn.


“Tôi nghĩ chuyện tốt nghiệp cấp 3 và chuyện thi cử rất quan trọng, nhưng thực ra thi tốt nghiệp vẫn là kiểm tra thường kỳ, học thường kỳ, tổ chức thường kỳ.

Không nhất thiết phải có một cuộc thi cấp quốc gia tổ chức một cách tốn kém như vậy”, GS bày tỏ.


Cũng theo chủ nhân của giải thưởng Fields, khi học hết bậc phổ thông, học sinh có thể nhận được bằng chứng nhận do trường, hay địa phương cấp.

Nếu việc học hành không tốt thì cái bằng đó sẽ không được coi trọng.

Tỉ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT hiện nay khá cao.
Tỉ lệ học sinh thi tốt nghiệp THPT hiện nay khá cao. 
Chia sẻ về nền giáo dục của 2 quốc gia Pháp, Mỹ, theo GS Ngô Bảo Châu, không có sự trùng lặp giữa 2 kỳ thi. Ở Pháp có thi tốt nghiệp phổ thông ở cấp quốc gia. Họ không phải thi ĐH, thi đỗ bậc phổ thông, học sinh sẽ được vào trường ĐH, đặc biệt những trường ĐH nơi mình sinh sống nghiễm nhiên được vào học.

Tuy nhiên, học sinh Pháp sẽ phải thi tốt nghiệp phổ thông rất nhiều môn, nhiều đến nỗi họ phải chia làm 2 năm để thi. Có những môn như Ngôn ngữ thi từ năm lớp 11, còn các môn khác như toán học, triết học thi ở lớp 12.

Còn ở Mỹ lại không có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mà vẫn có bằng tốt nghiệp. Bằng do trường cấp và căn cứ trên điểm số từ thi sát hạch cuối kỳ cộng thêm điểm kiểm tra thực kỳ. GS cho rằng, thực ra dần dần các trường sẽ tự ép mình để cái bằng do chính mình cấp có giá trị.

Việc trao quyền cấp bằng cho các trường nếu áp dụng ở Việt Nam liệu có gây ra ngày càng nhiều tiêu cực và vô hình có tiếp tay kéo thực trạng nền giáo dục đi xuống hay không, theo nhà toán học lừng danh, khi nới ra như vậy hiển nhiên sẽ có một số hiện tượng tiêu cực.

Tuy nhiên GS cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, việc kiểm soát Nhà nước bằng hành chính sẽ vô cùng tốn kém và về thực chất sẽ không thực sự hiệu quả mà nên để xã hội tự sát hạch.

Cũng theo GS, tất nhiên có nhiều mức độ có sự tương tác với nhau, chẳng hạn như là ở Mỹ, học sinh tốt nghiệp phổ thông ở trường có tên tuổi mà điểm số có thể kém hơn trường khác họ vẫn xin được trường ĐH tốt hơn, vì thế các trường có động lực giữ gìn danh tiếng của mình hơn.

Theo T.Huyền/ Infonet

Bình luận
vtcnews.vn