Giáo sư Võ Tòng Xuân: Lương thấp, vì sao cán bộ công chức vẫn sống được?

Tin nóngThứ Sáu, 06/10/2023 14:33:00 +07:00
(VTC News) -

Giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra giải pháp cho câu hỏi, làm sao để cán bộ công chức thực sự yên tâm với công việc bằng đồng lương xứng đáng.

Nhân dịp Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang họp Hội nghị lần thứ 8 để bàn và cho ý kiến kết luận về Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới, tôi mới nhớ lại cách đây hai tuần nhân dịp nói chuyện với báo chí về giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng cao.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao khiến cho nông dân trồng lúa phấn khởi trong khi các tầng lớp ăn lương của Nhà nước với mặt bằng lương quá thấp so với các quốc gia trên thế giới, làm sao có thể mua đủ gạo ăn hàng ngày?

Cán bộ công chức tỉnh Kom Tum giải quyết hồ sơ cho người dân. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ).

Cán bộ công chức tỉnh Kom Tum giải quyết hồ sơ cho người dân. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ).

Dường như dân mình cũng mừng cho nông dân mà không lo giá gạo tăng, vì suy ra tuy lương tháng của mọi người rất thấp nhưng cũng xoay sở được cuộc sống hàng ngày.

Đây là một mặc định, ít ai muốn tìm hiểu sâu “tại sao lương thấp như thế mà anh, chị vẫn sống được? Vẫn mua được nhà, xe?”.

Mặc định này phản ảnh thực tế nước ta, tổng sản phẩm quốc nội do toàn dân ta làm ra đủ bảo đảm cuộc sống mỗi người nhưng số tiền quy ra cho mỗi người không tập trung vào đồng lương mà nằm rải rác nhiều nơi, người lao động phải gom lại mới đủ sống.

gs-vo-tong-xuan (1).jpg

gs-vo-tong-xuan (1).jpg

Nếu cán bộ công chức không có nghề tay trái thì cuộc sống rất khó khăn.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Để trả lời câu hỏi này, tôi cho rằng ngoài làm cho Nhà nước, công chức, viên chức phải có nghề tay trái. Thậm chí, nhiều cán bộ công chức, viên chức sau giờ làm ở cơ quan còn phải chạy xe ôm công nghệ hay bán hàng phụ gia đình.

Nếu cán bộ công chức không có nghề tay trái thì cuộc sống rất khó khăn. Nếu không muốn khó khăn, buộc họ phải tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

Một giải pháp khác hiện nay nhiều cán bộ, công chức cũng phải đang làm là dùng chính trí tuệ, chất xám và kinh nghiệm lâu năm trong môi trường Nhà nước để làm thêm cho các tập đoàn, công ty tư nhân, tổ chức ngoài giờ hành chính hay các ngày nghỉ. Họ tư vấn cho các tập đoàn, công ty tư nhân và được trả những khoản thu nhập cao, đủ lo cho cuộc sống của cả gia đình.

Vì thế, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “chân trong, chân ngoài” đã có từ lâu. Nếu để tình trạng này kéo dài, nhiều người không giữ được đạo đức sẽ dẫn đến “chân ngoài dài hơn chân trong”, chủ yếu lo các khoản thu nhập bên ngoài nhiều hơn, qua đó ảnh hưởng không tốt đến công việc và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Thực tế này đòi hỏi cần có những hành động quyết liệt hơn trong thực hiện cải cách tiền lương thời gian tới, để cán bộ, công chức, viên chức ở khu vực công yên tâm công tác, cống hiến trí tuệ, sức lao động.

Nhìn lên tầm cỡ quốc gia, thu nhập quốc dân vào kho bạc nhà nước cũng chỉ là một phần nhỏ tiền thuế người dân và các doanh nghiệp đóng vào, còn lại rải rác khắp nơi là tiền trục lợi bất hợp pháp, tham nhũng mọi hình thức, ăn cắp của công, tiền trốn thuế (chia phần giữa cán bộ thuế và người/tổ chức chịu thuế), kiếm tiền bồi dưỡng phụ trội.

Nếu Nhà nước gom lại các phần tiền rải rác này một cách hiệu quả thì thu nhập ngân sách quốc gia sẽ rất lớn, đủ để nâng cao mặt bằng lương của dân Việt Nam ngang hàng thế giới.

Nhìn sang hai quốc gia phát triển rất nhanh chóng sau chiến tranh như Nhật Bản và Hàn Quốc để thấy rõ điều này. Nhiều nhà kinh tế quốc tế đã phân tích mặt bằng lương của người Nhật được nâng cao từ chính sách nông nghiệp của Minh Trị Thiên Hoàng, đưa giá lúa lên cao gấp hai lần vào năm 1960 cho nông dân đạt lợi tức tương đương công nhân nhà máy.

Trong khi đó, mặt bằng lương của người Hàn Quốc được nâng cao trong thời quản trị của ông Park Chung-hee, Chủ tịch Hội đồng Tối cao phụ trách Tái thiết Quốc gia sau đó trở thành Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc.

Theo một số tài liệu mà tôi tham khảo, ông Park Chung-hee bắt đầu bằng chiến lược tổng hợp nhiều mũi giáp công gồm đánh mạnh những thành phần trục lợi bất hợp pháp và trốn thuế (dẫn đến việc hình thành một liên minh quân sự-chaebol mới để tăng trưởng kinh tế và mở rộng doanh nghiệp tương đương với Nhật Bản).

Ngoài ra, đó còn là chiến lược đổi mới chính sách ngân hàng và tín dụng để tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo nhiều công ăn việc làm; cải cách thuế một cách nghiêm khắc không để thất thoát; đẩy mạnh ngoại thương; tăng cường công trình công cộng cho người thất nghiệp; hỗ trợ nông nghiệp; đổi mới giáo dục; lành mạnh hoá hành chính công; và tăng cường phúc lợi cho toàn xã hội.

Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, tôi cho rằng phải có ngân sách lớn mới có tiền tăng lương lên cao cho cán bộ công chức, viên chức. Vì vậy, tôi đề nghị phải quyết liệt cải cách hệ thống thuế, thu đủ thuế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất mạnh và bán hàng tốt mới có nguồn thu ngân sách dồi dào.

Tôi tin tưởng với một quyết tâm chính trị cao, Đảng ta sẽ sớm chấm dứt tình trạng đồng lương lao động Việt Nam thấp như hiện nay, để Nhân dân ta sớm sánh vai với cộng đồng quốc tế.

Giáo sư Võ Tòng Xuân
Bình luận
vtcnews.vn