Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Trường học cần đưa chữ tình thương lên đầu tiên

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 05/10/2023 19:29:00 +07:00
(VTC News) -

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, tất cả các sự việc, tình huống trong nhà trường, yêu cầu phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023 – 2024 tổ chức ngày 5/10, Sở GD&ĐT Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề “nóng” còn tồn tại như chuẩn mực đạo đức nhà giáo, dạy học liên kết… Đồng thời chỉ đạo, quán triệt những quy định liên quan nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra.

Cần đưa chữ tình thương lên đầu tiên

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đầu năm học mới ngành đã có văn bản hướng dẫn, triển khai, quán triệt từng nội dung cụ thể để cơ sở giáo dục triển khai. Tuy nhiên, Hà Nội có số lượng trường học lớn, học sinh đông (gần 2,3 triệu), bên cạnh những nhà giáo tâm huyết, trường học nỗ lực dạy học vẫn có nơi để xảy ra một số sự việc đáng tiếc.

Ông Cương cho rằng, tất cả các sự việc, tình huống trong nhà trường, yêu cầu phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết. Không vì bất cứ lý do gì, giáo viên hay quản lý trường học có thể có những lời nói xúc phạm, hành động "cho dừng học”. Đơn cử như sự việc ở trường THPT Lạc Long Quân, vì mâu thuẫn với phụ huynh dẫn đến đình chỉ việc học của học sinh.

Hơn ai hết, trong trường học, thầy cô phải thương học trò và có ứng xử phù hợp. Tất nhiên, học trò vi phạm kỷ luật vẫn phải xử phạt trên tinh thần răn đe, giáo dục nhằm hướng các em rèn luyện nhân cách tốt đẹp hơn.

"Trong các trường học có khẩu hiệu Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Tôi cho rằng cần đưa chữ tình thương lên đầu tiên", ông Cương nói, đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm, không bao che những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề giáo. 

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023 - 2024. (Ảnh: T.N)

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023 - 2024. (Ảnh: T.N)

Không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa

Liên quan đến vấn đề dạy liên kết, ông Đào Tân Lý - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải thực hiện đầy đủ tiết học bắt buộc, không được cắt xén, giảm bớt chương trình. Đồng thời, phải đảm bảo thực hiện hết định mức làm việc của giáo viên phổ thông. Theo quy định hiện nay, giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/ tuần.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT quán triệt tới từng nhà trường yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Thời gian qua, dư luận phản ánh về việc triển khai hoạt động ngoài giờ nhưng chưa đảm bảo tinh thần tự nguyện, khiến nhiều cha mẹ học sinh bức xúc. Do đó, các trường không xếp tiết hoạt động ngoài giờ xen vào giờ chính khóa nếu lớp đó không đủ 100% học sinh không tham gia. Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng cần khoa học, không được gây quá tải cho học sinh. 

Ngăn chặn cơ sở mầm non hoạt động "chui"

Để ngăn chặn việc các cơ sở mầm non hoạt động “chui”, bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non đề nghị các phòng GD&ĐT tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Khi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, cần kiên quyết xử lý dứt điểm và có khâu hậu kiểm kỹ càng để đảm bảo cơ sở đó đã chấp hành quy định. Tránh trường hợp ra văn bản thông báo đình chỉ rồi nhưng không kiểm tra sau đó, để cơ sở vẫn mở cửa đón trẻ. Khi dừng hoạt động, các đơn vị phải quan tâm đến quyền lợi của trẻ em và người lao động tại cơ sở đó.

Vấn đề học sinh sử dụng điện thoại trong trường học

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường cần thành lập đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc có thể gây bức xúc, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn, xây dựng văn hóa trường học.

Ông Cương thông tin thêm, quy định hiện nay học sinh được dùng điện thoại phục vụ cho mục đích học tập hoặc phụ huynh tiện liên lạc đưa đón. Tuy nhiên, việc học sinh mang điện thoại vào lớp học đã khiến không ít em chơi điện tử, lướt mạng xã hội, xao nhãng học tập. Các nhà trường cần có nội quy, yêu cầu học sinh tắt điện thoại hoặc gửi vào địa điểm an toàn từ đầu giờ đến cuối giờ học mới lấy lại. Mọi nội quy, quy chế các trường phải đảm bảo việc dạy học hiệu quả nhất.

Ngoài ra, để chấn chỉnh kịp thời các vấn đề liên quan thu, chi; dạy thêm học thêm, trong thời gian tới Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình triển khai các nội dung và xử lý nghiêm các đơn vị xảy ra sai phạm.

THI THI
Bình luận
vtcnews.vn