FED khó kìm hãm được tham vọng của ông Trump

Kinh tếChủ Nhật, 18/12/2016 08:01:00 +07:00

Nếu ông Trump thực hiện đầy đủ những gì đã cam kết trong chính sách kinh tế của mình khi tranh cử, mà trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc giảm thuế và tăng chi tiêu công, thì kế hoạch lãi suất thận trọng của FED nhiều khả năng sẽ bị phá vỡ.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây tăng lãi suất đồng USD lên thêm 0,25%, từ mức 0,25-0,5% lên mức 0,5-0,75%, đã khiến không ít người thất vọng – đặc biệt là với những nhà kinh tế có cái nhìn hoài nghi và không tin tưởng đối với khả năng điều hành của tân tổng thống sẽ nhậm chức vào giữa tháng 1.2017 tới: Donald Trump.

Việc tăng lãi suất chỉ ở mức tối thiểu (0,25%) có thể là một bước đi thận trọng của FED trong bối cảnh kinh tế Mỹ vừa mới hồi phục mạnh mẽ trở lại, nhưng dường như nó chưa được thiết kế để đề phòng trường hợp một cú sốc kinh tế có thể xảy ra sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống (dù Chủ tịch FED Janet Yellen đã để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào 3 đợt trong năm 2017 tới nếu cần thiết).

Nếu Trump thực hiện đầy đủ những gì đã cam kết trong chính sách kinh tế của mình khi tranh cử, mà trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc giảm thuế và tăng chi tiêu công, thì kế hoạch lãi suất thận trọng của FED nhiều khả năng sẽ bị phá vỡ.

 

Không khó để nhận ra một thực tế, đó là: mọi điểm cơ bản trong chính sách kinh tế của Donald Trump đều tương phản mạnh mẽ với chính sách tiền tệ thận trọng của FED trong vài năm vừa qua. Giữ vai trò độc lập đối với chính phủ Mỹ, FED đảm trách cùng lúc một loạt các vấn đề liên quan đến tiền tệ trong nền kinh tế Mỹ: duy trì tốc độ tăng trưởng cao cùng lúc với kiềm chế các nguy cơ có thể xảy ra do tăng trưởng nóng.

Dù duy trì chính sách tiền tệ lãi suất thấp (0%) từ năm 2007 để giúp thúc đẩy hồi phục kinh tế Mỹ sau khủng hoảng, nhưng mỗi khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng nóng FED đều nhanh chóng tăng lãi suất để kiềm chế.

Lần đầu tiên là vào tháng 12.2015, khi lãi suất tăng 0,25%, và lần tăng 0,25% cách đây vài ngày là lần thứ hai. Nói cách khác, đưa ra các chính sách và biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể là việc của chính phủ Mỹ, còn việc duy trì chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định cho nền kinh tế là của FED. Nhưng chính sách kinh tế mà Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump đề xuất đang có nguy cơ phá vỡ điều này.

Trước hết là các cam kết về thuế. Điểm trọng tâm trong chính sách kinh tế của ông Trump là giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm giảm thuế doanh nghiệp từ mức 35% hiện nay xuống còn 15%, đồng thời giảm thuế thu nhập liên bang từ mức 39,6% về 33%. Giảm thuế doanh nghiệp và thu nhập dĩ nhiên sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi doanh nghiệp sẽ có điều kiện để tăng đầu tư nhiều hơn còn người dân thì tăng chi tiêu mua sắm; nhưng nó có mặt trái là làm hụt thu ngân sách và tăng nợ quốc gia.

Để bù đắp các khoản hụt thu ngân sách do giảm thuế mạnh mà ông Trump đã đề xuất, chính phủ Mỹ có thể sẽ phải vay nợ khoảng 2.000 tỉ USD mỗi năm để đảm bảo ngân sách duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Điều này tương phản mạnh mẽ với chính sách tiền tệ ổn định của FED, vì nó thúc đẩy lạm phát cao hơn và giảm tỷ giá của đồng USD do cung tiền trong nền kinh tế tăng vọt.

Điểm nhấn thứ hai là chính sách thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng chi tiêu công. Các cố vấn của Donald Trump nhấn mạnh việc tăng chi tiêu công, mà cụ thể là tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh tương tự như những gì chính sách Kinh tế mới (New Deal) mà Tổng thống Roosevelt đã làm được trong những năm 30 của thế kỷ trước để giúp Mỹ hồi phục sau Đại khủng hoảng. Ngoài việc tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng (thông qua cải thiện hạ tầng giao thông), thì nó cũng giúp cải thiện bộ mặt nước Mỹ. Một trong những câu nói ưa thích của Donald Trump trong quá trình tranh cử là: “Chúng ta đang trở thành một nước thuộc thế giới thứ ba, nếu như nhìn vào sự yếu kém và xuống cấp tồi tệ của hệ thống hạ tầng, từ những con đường cao tốc cho đến sân bay”.

Theo thống kê của Viện quản lý hành chính các công trình công cộng Mỹ, thì nhu cầu xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông của nước này hiện nay là rất lớn, bao gồm khoảng 78.000 cây cầu, 650.000 dặm đường bộ, 700 dặm đường băng sân bay, 13.000 công viên và sân chơi, 125.000 các công trình dân sự và quân sự, 40.000 trường học. Để thực hiện được việc xây dựng số lượng hạ tầng đồ sộ này, theo các cố vấn kinh tế Wilbur Ross và Peter Navarro của ông Trump thì chi phí có thể lên tới hàng ngàn tỉ USD. Số tiền này một phần đến từ các nhà đầu tư tư nhân, nhưng phần lớn sẽ đến từ ngân sách chi tiêu công của chính phủ Mỹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng đồ sộ này của Donald Trump sẽ rất có khả năng được Quốc hội Mỹ thông qua, vì ngoài việc đảng Cộng hòa đang nắm cả Lưỡng viện thì ngay cả các nghị sĩ của đảng Dân chủ cũng ủng hộ ý tưởng gia tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vốn cũng là điểm nhấn trong chính sách tranh cử của bà Hillary Clinton vì nó giúp phát triển kinh tế.

Cũng giống như đề xuất giảm thuế, việc tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng cũng gây sức ép mạnh mẽ lên chính sách tiền tệ ổn định của FED. Về bản chất đó đều là gia tăng cung tiền trong nền kinh tế, trong khi ở việc giảm thuế nó mang tính gián tiếp thì trong việc tăng chi tiêu công nó mang tính trực tiếp. Nó sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng lạm phát và các hệ lụy khác do nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.

Bản thân ông Trump cũng không giấu diếm mục tiêu muốn kinh tế Mỹ tăng trưởng từ 3,5-4%/năm trong nhiệm kỳ của mình, tức là gấp đôi mức tăng trưởng hiện nay (khoảng trên dưới 2% trong năm 2016). Đó là một mục tiêu tham vọng, nhưng ẩn chứa đầy rủi ro mà người phải gánh chịu trước hết là FED. Mức điều chỉnh lãi suất tối đa chỉ 0,75% trong năm 2017 (với bước lãi suất cơ bản chỉ là 0,25%/lần) có vẻ như đang quá mong manh và yếu ớt để kìm hãm những chương trình thúc đẩy tăng trưởng đầy tham vọng của Donald Trump.

(Nguồn: otthegioi.vn)
Bình luận
vtcnews.vn