‘Đứt gãy’ và cái chốt tháo gỡ cho chuyện xăng dầu

Thị trườngChủ Nhật, 13/11/2022 07:02:10 +07:00

Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11 của Thủ tướng nêu Bộ trưởng Công Thương “chịu trách nhiệm toàn diện” trước Chính phủ về công tác điều hành thị trường xăng dầu.

Công điện yêu cầu “khẩn trương” rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo "trình tự, thủ tục rút gọn”.

Những chỉ đạo trên, đặc biệt là việc sửa đổi hai nghị định, thể hiện sự sát sao, kiên quyết của Thủ tướng nhằm mục tiêu “tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống”.

‘Đứt gãy’ và cái chốt tháo gỡ cho chuyện xăng dầu - 1

Giá xăng dầu chắc sẽ tăng lên, nhưng người dân phải chấp nhận vì mua được xăng để đi làm.

Hôm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay, xăng dầu sản xuất trong nước đạt 12,9 triệu mét khối; xăng dầu nhập khẩu đạt 5,7 triệu mét khối; tổng cộng là 18,6 triệu mét khối, đạt 90% nhu cầu tiêu dùng trong cả năm.

Ông khẳng định: “Nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng vẫn bị đứt gãy ở một số phân khúc”. 

Từ “đứt gãy” ở đây rất nhỏ và khiêm tốn, nhưng là cái chốt để tháo gỡ vấn đề. 

Xin trích số liệu từ Tổng cục Hải Quan được báo chí đăng tải: Lượng xăng nhập khẩu giảm khoảng 40% và dầu diesel nhập khẩu giảm khoảng 35% trong quý 3/2022 so với quý 2/2022; trong số 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có 14 đầu mối không ghi nhận hoạt động nhập khẩu.

Thông tin này cho thấy là nhập khẩu giảm, cung không dồi dào và nhiều thương nhân từ bỏ quyền nhập khẩu. Tất cả là do “lỗ thì ai làm!”, như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từng khẳng định.

Xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý giá, nhưng giá của nó phải tuân theo hai quy luật thị trường là cung cầu và giá trị. Nếu giá xăng dầu không được tính đúng, tính đủ thì việc “đứt gãy” rất khó được xử lý, kể cả với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước và thị trường gặp trục trặc ngay.

Xin kể lại một câu chuyện về điều hành kinh tế những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước để thấy, ở thời điểm khó khăn đến thế, thì các nhà lãnh đạo đều có giải pháp thích hợp.

Một lần, Thủ tướng Đỗ Mười phàn nàn, mỗi năm Chính phủ cần thêm hàng trăm tỷ đồng để bù giá lương thực, thực phẩm cho cán bộ công chức ở Thủ đô. Theo chế độ tem phiếu, giá mua thì đắt còn giá bán thì rẻ. Ông hỏi một chuyên gia kinh tế, nên xử lý thế nào vì đang lạm phát cao.

Vị chuyên gia đáp, Nhà nước không nên làm việc đó mà để nhân dân tự do mua bán, lưu thông thì họ sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. 

Ông Mười ngần ngại hỏi lại: “Anh nói lạ, dạ dày của dân Nhà nước còn không lo nổi thì sao mấy bà tiểu thương lo được?”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị cho dân tự do mang hàng hóa vào Thủ đô.

Chỉ thời gian ngắn sau, lương thực, thực phẩm tràn ngập các chợ và các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng. Sau Tết âm 1989, Thủ tướng Đỗ Mười cho triển khai chính sách đó trên toàn quốc và từ đó, hệ thống tem phiếu được bỏ đi.

Nhắc lại câu chuyện này để thấy, giá xăng dầu cần tuân thủ các quy luật thị trường nêu trên. Khi đã chịu “trách nhiệm toàn diện”, có lẽ Bộ trưởng Diên nên tập trung sửa ngay các nghị định liên quan, mà hiện lấy ý kiến các bộ, ngành, theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống; tính đúng, tính đủ chi phí, lợi nhuận, chiết khấu; đảm bảo hạn mức cho vay ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu...

Giá xăng dầu chắc sẽ tăng lên, nhưng người dân sẽ chấp nhận vì mua được xăng để đi làm kiếm sống là hơn hẳn so với ngồi chơi không ở nhà.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn