Đường sắt cao tốc Trung Quốc: Bận nhất, nhanh nhất, dài nhất và đắt nhất

Tư liệuChủ Nhật, 31/12/2023 11:52:00 +07:00
(VTC News) -

Kể từ khi Trung Quốc phát triển đường sắt cao tốc đã xác lập nhiều kỷ lục thế giới như là hệ thống bận rộn nhất, nhanh nhất, dài nhất và đắt nhất.

Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc là tuyến Bắc Kinh - Thiên Tân được hoàn thành vào năm 2008, trở thành điểm khởi đầu cho hệ thống đường sắt cao tốc của nước này. 

Dù bắt đầu muộn hơn các nước phát triển hơn 40 năm nhưng ngành đường sắt cao tốc của Trung Quốc phát triển thần tốc, với chiều dài hệ thống vận hành tính đến năm 2023 lên tới hơn 42.000km, chiếm hơn 70% tổng số km đường sắt cao tốc thế giới.

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về hệ thống đướng sắt cao tốc. (Ảnh: Sohu)

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về hệ thống đướng sắt cao tốc. (Ảnh: Sohu)

Tuyến đường sắt bận rộn nhất

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011. Vào thời điểm hoàn thành, đây là tuyến đường sắt cao tốc dài nhất và đạt tiêu chuẩn cao nhất thế giới.

Một đầu nối với trung tâm chính trị văn hóa thủ đô Bắc Kinh, đầu còn lại nối với trung tâm kinh tế Thượng Hải.Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải chạy qua 7 tỉnh, thành: Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, An Huy, Giang Tô và Thượng Hải và chỉ mất 4 giờ đồng hồ cho một hành trình.

Vào tháng 2/2013, tổng số lượt khách di chuyển bằng cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải lần đầu tiên vượt quá 100 triệu. Đến năm 2021, con số này đã vượt quá 1,3 tỷ lượt khách.

Không chỉ là tuyến đường sắt cao tốc có lưu lượng hành khách lớn nhất và đông đúc nhất Trung Quốc, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải còn có chi phí đắt đỏ. Theo phê duyệt thiết kế, tổng mức đầu tư tuyến đường sắt cao tốc này là hơn 220,94 tỷ nhân dân tệ (hơn 755.000 tỷ đồng).

Trải qua 12 năm vận hành an toàn với tổng cộng hơn 1,6 tỷ lượt khách, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải thứ 2 cũng chính thức được khởi công vào tháng 5/2023, để phục vụ nhu cầu di chuyển tăng cao.

Tốc độ nhanh nhất

Đầu những năm 1990, tốc độ vận hành trung bình của tàu khách ở Trung Quốc đại lục chỉ là 48,1km/h. Ngày nay, đường sắt cao tốc của Trung Quốc duy trì tốc độ vận hành nhanh nhất thế giới, với nhiều tuyến có tốc độ vận hành tối đa 350km/h.

Trong số các quốc gia có đường sắt cao tốc hoàn thiện, tốc độ nhanh nhất của đường sắt cao tốc là 320km/h ở Nhật Bản và Pháp, 310km/h ở Tây Ban Nha, 300km/h ở Đức và Italy.

Tốc độ 450km/h là mục tiêu mà đường sắt cao tốc Trung Quốc đang nỗ lực chinh phục. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tốc độ 450km/h là mục tiêu mà đường sắt cao tốc Trung Quốc đang nỗ lực chinh phục. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Sau khi đạt được mục tiêu 350km/h, đích nhắm tiếp theo của ngành đường sắt Trung Quốc là tốc độ 450km/h. Vào đầu năm 2021, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đã khởi động "Dự án đổi mới công nghệ CR450" Fuxing.

Dự án sẽ phát triển thế hệ sản phẩm Fuxing EMU mới có tốc độ cao hơn, an toàn hơn, thân thiện với môi trường hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và thông minh hơn thông qua cải tiến toàn diện công nghệ thiết bị di động đường sắt tốc độ cao.

Ngày 21/4/2022, tàu thử nghiệm của Fuxing đã chạy thành công trên tuyến đường sắt cao tốc Bộc Dương - Trịnh Châu, với tốc độ tối đa một chiều của một đoàn tàu đạt 435km/h và tổng tốc độ của hai đoàn toàn khi giao nhau đạt 870km/h.

Trong lần thử nghiệm tiếp theo vào cuối tháng 6/2023 trên cầu vượt biển Vịnh Mị châu, tốc độ tối đa một chiều của đoàn tàu đạt 453km/h và hai chiều của hai đoàn tàu đạt 891km/h. 

Cuộc thử nghiệm tương tự trong đường hầm Hải Vĩ đã đạt tốc độ tối đa một chiều 420km/h và hai chiều 840km/h trong ngày 29/6.

Với tốc độ 400km/h, đoàn tàu khi được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi từ Bắc Kinh đến Thượng Hải xuống còn 2,5 giờ.

Khoảng cách một tuyến dài nhất

Đường sắt cao tốc Từ Châu - Tân Cương là tuyến đường sắt cao tốc được quy hoạch dài nhất trên thế giới, nối thành phố Từ Châu thuộc tỉnh Giang Tô ở ven biển phía đông Trung Quốc đến thành phố Urumqi thuộc khu tự trị Tân Cương ở phía tây bắc nước này, với tổng chiều dài 3.176km.

Nếu đi tàu phổ thông từ Từ Châu đến Urumqi sẽ mất gần 44 giờ, nhưng đi tàu cao tốc chỉ mất 18,5 giờ. Hạn chế duy nhất là do sự sắp xếp vận hành trong khu vực, tuyền đường sắt cao tốc này cần phải chuyển tuyến giữa chừng ở Lan Châu.

Tuyến đường sắt cao tốc dài thứ 2 là tuyên Bắc Kinh - Quảng Châu có tổng chiều dài 2.298km, tổng thời gian hành trình là 7 giờ 38 phút.

Nhiều ý kiến thường cho rằng hành trình 800 km là ranh giới giữa hàng không và đường sắt. Đường sắt cao tốc là lựa chọn phổ biến nhất cho các chuyến đi dưới 800 km và máy bay được ưu tiên cho các chuyến đi xa hơn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đường sắt cao tốc Trung Quốc đã có thành tích vượt trội về mặt kinh tế và tiện nghi, được nhiều hành khách ưa chuộng hơn. Ngay cả ở quãng đường 1.100 km ( như Bắc Kinh đến Thượng Hải), nhiều hành khách sẵn sàng lựa chọn đường sắt cao tốc.

Nội thất bên trong đoàn tàu cao tốc phục vụ Olympic Bắc Kinh 2022. (Ảnh: Tangerine)

Nội thất bên trong đoàn tàu cao tốc phục vụ Olympic Bắc Kinh 2022. (Ảnh: Tangerine)

Giá vé đắt nhất

Tháng 9/ 2018, tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu - Thâm Quyến - Hong Kong được thông xe với tổng chiều dài 141km.

Trong đó, tốc độ thiết kế của đoạn Quảng Châu - Thâm Quyến là 350km/giờ và có giá vé khoảng 75 – 100 nhân dân tệ (khoảng 256.000 – 340.000 đồng). Đoạn Thâm Quyến - Hong Kong chỉ dài 26 km, thiết kế tốc độ 200 km/h, nhưng có mức giá dạo động từ 75 - 226 nhân dân tệ (khoảng 256.000 – 773.000 đồng), được coi là mức giá đường sắt cao tốc đắt nhất theo tỷ lệ quãng đường.

Điều này được giải thích bởi chi phí xây dựng, vận hành và bảo trì đường sắt cao tốc trên biển đắt hơn, cho đến nhu cầu thị trường về lưu lượng hành khách và mức tiêu dùng ở Hong Kong cũng cao hơn.

Dù vậy, xét mặt bằng chung, vé tàu cao tốc của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều nước phát triển khác.

Theo số liệu thống kê của truyền thông Tây Ban Nha, giá vé mỗi km của tàu cao tốc Trung Quốc là 0,04 euro, thấp hơn nhiều so với 0,19 euro của Tây Ban Nha, 0,22 euro của Pháp, 0,27 euro của Đức, 0,25 euro của Italy và 0,22 euro của Nhật Bản.

Quan trọng hơn, đường sắt cao tốc mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các vành đai công nghiệp và các ngành dịch vụ đô thị hiện đại dọc tuyến, cũng như sự gia tăng di chuyển dân cư và tích tụ dân số ở các khu vực dọc tuyến.

Hoa Vũ(Nguồn: Sohu)
Bình luận
vtcnews.vn