Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi: Đề xuất giữ nguyên Thanh tra huyện

Chính trịThứ Năm, 26/05/2022 11:30:04 +07:00
(VTC News) -

Trong Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đề xuất giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Sáng 26/5, ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Dự thảo cho thấy, khi đề xuất chính sách xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức Thanh tra huyện. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, nếu không tổ chức Thanh tra huyện thì Thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.

Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi: Đề xuất giữ nguyên Thanh tra huyện - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp sáng 26/5 về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và lấy ý kiến về Luật Cảnh Sát cơ động.

Vì vậy, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Để khắc phục những bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện, cần tăng cường về tổ chức, biên chế cho các cơ quan Thanh tra huyện nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện là cần thiết, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh, trung ương, phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện nay không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó cần có giải pháp hiệu quả khắc phục hạn chế này.

Như vậy, mô hình các cơ quan thanh tra bào gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện. Dự thảo Luật quy định về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra sở.

Dự thảo Luật quy định Thủ trưởng các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước. Dự thảo quy định rõ: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Dự thảo Luật cũng đưa ra những nội dung cơ bản mang tính nguyên tắc để phân định giữa kiểm tra và thanh tra. Theo đó kiểm tra là hoạt động thường xuyên của Thủ trưởng cơ quan nhà nước. Thanh tra là hoạt động được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (thanh tra đột xuất) hoặc các lĩnh vực, đối tượng được nhận định là có biểu hiện, nguy cơ vi phạm pháp luật thông qua công tác quản lý được xác định trong kế hoạch thanh tra hằng năm.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trên cơ sở nhận thức rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Về chống chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước: dự thảo Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước.

Dự thảo Luật chỉ rõ mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hằng năm do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Kế hoạch thanh tra của Bộ, ngành, địa phương được xây dựng trên cơ sở Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

PHẠM DUY - QUANG TUYỀN
Bình luận
vtcnews.vn