'Đồng phục' giảm biên chế với 63 tỉnh thành sẽ kéo lùi sự phát triển đất nước

Chính trịThứ Hai, 31/10/2022 16:05:03 +07:00
(VTC News) -

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, 63 "chiếc áo đồng phục" giảm biên chế khiến nhiều địa phương lãng phí cơ hội, thậm chí kéo lùi sự phát triển, phải xin cơ chế đặc thù.

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 diễn ra vào ngày 31/10, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương) cho rằng, nếu chỉ đơn thuần đối chiếu, soi rọi các định mức, tiêu chuẩn có phù hợp quy định hay không thì chưa đủ, bởi có những lãng phí vô hình mà chính sách, pháp luật chưa đề cập và khó đo đếm.

Theo ông Nhân, báo cáo giám sát nêu nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền là chưa lấy thực tế làm thước đo, đặc biệt ở các tỉnh, thành có kinh tế phát triển.

"Việc bổ đồng biên chế mà không tính đến quy mô dân số, kinh tế làm cho cán bộ, công chức ở nhiều nơi ba năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ. Đây là lời tâm sự của một lãnh đạo phường trên địa bàn TP.HCM", ông Nhân nói.

'Đồng phục' giảm biên chế với 63 tỉnh thành sẽ kéo lùi sự phát triển đất nước - 1

Đại biểu Phạm Trọng Nhân.

Theo đó, sau 7 năm "đại phẫu biên chế", TP.HCM hiện là một trong bốn địa phương (Bình Dương, Tiền Giang, Nam Định. TP.HCM) có tỷ lệ người dân trên cán bộ cao nhất nước. Cụ thể, tổng biên chế công chức trung ương giao cho TP.HCM là 10.869 người, nhưng thực tế HĐND TP.HCM duyệt giao là 14.470 người, tức cao hơn 3.601 người.

Tương tự, số biên chế viên chức mà HĐND TP.HCM giao cho thành phố là 99.985 người, cao hơn so với số lượng Trung ương giao là 97.881 biên chế. Như vậy, toàn TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được Trung ương giao. Nguyên nhân của việc dôi dư này là do dân số và quy mô kinh tế quá lớn, nhiều công việc, thành phố không thể không tuyển thêm người để làm việc.

Đại biểu Nhân băn khoăn "liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của TP.HCM và các địa phương phát triển hay chưa?". Và với cơ chế chưa phù hợp thì TP.HCM và các địa phương phát triển phải làm sao để tiết kiệm, chống lãng phí?

"Phải chăng 63 chiếc áo đồng phục giảm biên chế đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay chiếc áo cũ đã bung rách vì quá chật", đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Ông dẫn chứng thêm, Bình Dương đang rất cần nguồn nhân lực tài chính để xây dựng khung chiến lược mới, nâng cấp hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức không gian phát triển. Nhưng câu hỏi đầu tiên mà các nhà tư vấn đặt ra là tìm nguồn lực tài chính ở đâu, khi tỷ lệ ngân sách điều tiết được giữ lại giảm từ 40% xuống 33%.

Hay như cả nước hiện có gần 1.200 km đường cao tốc, nhưng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế động lực quan trọng của quốc gia chỉ mới có 122 km. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp cộng với đầu tư chưa tương xứng tiềm năng đã làm cho Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cạn dần nguồn lực, động lực để tăng trưởng. Hình thức lãng phí cơ hội tăng trưởng này có cần phải được nhận diện hay không?

"Việc chậm ban hành cơ chế, chính sách khiến lãng phí cơ hội phát triển thì sự lãng phí này lớn gấp nhiều lần con số có thể định lượng, thậm chí kéo lùi sự phát triển", vị đại biểu tỉnh Bình Dương nói, đề nghị sớm xây dựng chính sách đặc thù cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vì tháo bung các nguồn lực tăng trưởng cũng đồng nghĩa với không lãng phí thời cơ phát triển, tiết kiệm được thời gian trên con đường đến thịnh vượng.

Liên quan tới vấn đề biên chế, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cũng cho biết, công tác tinh giản biên chế còn những hạn chế, khó khăn nhất định như: tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy đối với phòng chuyên môn cấp huyện về công tác dân tộc chưa được triển khai thực hiện. Ngoài ra, danh mục sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực cũng chưa được Chính phủ ban hành. 

Đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị thêm với Chính phủ xem xét, nghiên cứu điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn, trong đó cần gắn với tình hình thực tiễn của từng địa phương trong từng năm và đảm bảo mục tiêu đủ số lượng để làm việc và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn