Doanh nghiệp ở Tiền Giang kêu cứu vì bị ngừng sản xuất đột ngột

Thị trườngThứ Bảy, 31/07/2021 10:11:05 +07:00

Nhiều doanh nghiệp tại Tiền Giang kêu cứu khi đang sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" và đáp ứng tốt các điều kiện phòng chống dịch lại bị yêu cầu dừng sản xuất.

Ngày 29/7, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới.

Sau đó, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (Tiền Giang) gửi đơn kêu cứu tới Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan xin được tiếp tục sản xuất đối với doanh nghiệp thực hành sản xuất tốt "3 tại chỗ". Công ty này chuyên nuôi trồng, sản xuất cá tra và thực phẩm chế biến tại cụm công nghiệp Song Thuận (huyện Châu Thành, Tiền Giang).

“Đây thực sự là cú sốc lớn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã chi hàng chục tỷ đồng để bố trí sản xuất 3 tại chỗ. Mỗi tháng còn chi phí thêm hàng chục tỷ đồng để giữ được chuỗi cung ứng, giữ chân người lao động, giữ khách hàng”, bà Trương Thị Lê Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Đức, nói.

Doanh nghiệp ở Tiền Giang kêu cứu vì bị ngừng sản xuất đột ngột - 1

Tỉnh Tiền Giang hiện có 71 doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ", chiếm 38,17% tổng số doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã thực hiện phương án này. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài ra, theo Công ty Vạn Đức, việc này trên làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa, trong khi việc sản xuất "3 tại chỗ" mới chỉ đạt 50% công suất, nếu dừng hẳn sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng; cá tra nuôi quá lứa không bán được, doanh nghiệp phải đền hợp đồng.

Nếu lúc này phải dừng sản xuất đột ngột, người lao động cũng không thể về quê vì hầu hết chưa được viêm vaccine và tất cả địa phương đều giãn cách xã hội. Doanh nghiệp giữ lao động ở lại nhà máy mà không sản xuất được sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn về tâm lý, hành vi và sau này khó lòng kêu gọi công nhân quay trở lại sản xuất.

Từ thực tế đó, Công ty Vạn Đức kiến nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT có ý kiến đến Thủ tướng và UBND tỉnh Tiền Giang để công ty được tiếp tục sản xuất để thực hiện mục tiêu kép và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo Công ty Vạn Đức, doanh nghiệp nào làm sai thì nên xử lý doanh nghiệp đó, không thể khiến những doanh nghiệp khác phải tạm dừng sản xuất khi họ đã tốn kém nhiều chi phí cho sản xuất "3 tại chỗ".

Bên cạnh Công ty Vạn Đức, Công ty TNHH MNS Feed Tiền Giang (một thành viên của Tập đoàn Masan) cũng vừa có đơn gửi đến Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động "3 tại chỗ".

Ông Phạm Trung Lâm, Chủ tịch MNS Feed Tiền Giang, cho biết để thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" từ ngày 15/7, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch như thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện chống dịch, tổ chức quản lý chặt chẽ người lao động. Đến nay, chưa phát hiện ca lây nhiễm nào trong khu vực nhà máy.

MNS Feed Tiền Giang cho rằng việc tạm dừng sản xuất nhà máy thức ăn chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi của nông hộ, trang trại, những người đang duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn để cung ứng thực phẩm cho xã hội.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Công Thương, nhóm hàng thức ăn chăn nuôi được xếp vào nhóm hàng thiết yếu, được phép hoạt động, lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn