Doanh nghiệp Nhật Bản 'buồn' vì kinh tế Trung Quốc chậm lại

Thời sự quốc tếThứ Năm, 14/09/2023 06:56:09 +07:00
(VTC News) -

Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc được cho là một trong những nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó.

Kết quả một cuộc khảo sát Tankan hàng tháng của Reuters được công bố mới đây cho thấy, niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong 8 tháng kể từ đầu năm. Trong khi đó niềm tin trong lĩnh vực dịch vụ cũng sụt giảm do lo ngại sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc có thể là lực cản lớn đối với tăng trưởng toàn cầu và trong nước.

Sự u ám trong lĩnh vực kinh doanh nhấn mạnh thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản và làm dấy lên nghi ngờ khả năng xuất khẩu liệu có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu hay không.

Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản sụt giảm do nhu cầu trong và ngoài nước yếu. (Ảnh: Reuters)

Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản sụt giảm do nhu cầu trong và ngoài nước yếu. (Ảnh: Reuters)

Cuộc khảo sát được thực hiện với 502 nhà sản xuất lớn ở Nhật Bản cho thấy chỉ số tâm lý ngành giảm mạnh xuống +4, từ mức +12 trong tháng 8. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1 năm nay khi chỉ số này giảm 14 điểm.

Cuộc khảo sát Reuters Tankan hàng tháng đóng vai trò là chỉ báo hàng đầu cho cuộc khảo sát Tankan hàng quý được theo dõi chặt chẽ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày 2/10 tới đây. Đồng thời báo cáo cung cấp thông tin kiểm tra nhanh tình hình điều kiện kinh doanh cho các cuộc họp hoạch định chính sách sắp tới của BOJ.

Trong 248 phản hồi khảo sát bằng văn bản, nhiều công ty Nhật Bản phàn nàn về chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng như nhu cầu yếu trong và ngoài nước. Xung đột Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng cũng được coi là “những cơn gió ngược”.

Một giám đốc doanh nghiệp sản xuất máy móc phản hồi cuộc khảo sát: “Điều kiện kinh doanh của chúng tôi không tốt lắm do những bất ổn xung quanh nền kinh tế toàn cầu như rủi ro địa chính trị xuất phát từ cuộc chiến kéo dài ở Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa xung đột Mỹ - Trung”.

“Thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc, đang sụt giảm và nhu cầu trong nước cũng suy yếu”, một quản lý doanh nghiệp hóa chất phản hồi.

So với ba tháng trước, chỉ số tâm lý của các nhà sản xuất đã giảm 4 điểm và dự báo sự sụt giảm trong cuộc khảo sát tankan hàng quý. Chỉ số tâm lý của các nhà sản xuất được tính bằng cách trừ tỷ lệ phần trăm số người trả lời bi quan khỏi số người lạc quan. Một con số dương có nghĩa là số người lạc quan đông hơn số người bi quan.

Cuộc khảo sát Reuters Tankan cũng cho thấy chỉ số phi sản xuất của Nhật Bản cũng giảm 9 điểm so với tháng trước, xuống mức +23 trong tháng 9, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2020.

Chỉ số dịch vụ đã giảm một điểm so với tháng 6, cho thấy doanh thu hàng quý của BOJ sẽ giảm nhẹ.

Theo các chỉ số quan sát được, điều kiện kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp sẽ kéo dài đến hết năm. Dự báo trong 3 tháng tới, chỉ số sản xuất của doanh nghiệp vẫn tương đương so với tháng 12 năm ngoái, trong khi đó chỉ số trong lĩnh vực dịch vụ giảm nhẹ xuống mức +21 vào cuối năm.

Hoa Vũ(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn