Đề nghị tránh lạm dụng quy định để kiểm tra nồng độ cồn gây phản cảm

Tin nóngThứ Tư, 27/03/2024 12:48:00 +07:00
(VTC News) -

Ủng hộ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe, tuy nhiên ĐBQH Lý Thị Lan đề nghị cơ quan chức năng tránh lạm dụng quy định để kiểm tra, xử phạt gây phản cảm.

Nội dung này được đại biểu đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) nêu khi thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 27/3.

Đại biểu Lý Thị Lan cho biết, để luật đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn thì cần rà soát, xem xét, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt cho phù hợp với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu Lý Thị Lan. (Ảnh: Phạm Thắng)

Đại biểu Lý Thị Lan. (Ảnh: Phạm Thắng)

Theo đại biểu Lan, qua thực tiễn ở tỉnh Hà Giang hoặc các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc sử dụng rượu bia là văn hóa của đồng bào; họ chưa thể thực hiện triệt để việc tham gia giao thông mà không có nồng độ cồn.

"Chúng tôi mong muốn, đề nghị rà soát có hình thức xử phạt và mức xử phạt theo lộ trình để tạo thành ý thức cho người dân khi tham gia giao thông đáp ứng được quy định của pháp luật. Tôi cũng đề nghị khi áp dụng luật, các cơ quan chức năng cần tránh lạm dụng quy định của luật để xử phạt, kiểm tra gây sự phản cảm của người dân đối với lực lượng chức năng", bà Lý Thị Lan nói.

Vị đại biểu Đoàn Hà Giang cũng đề nghị xem xét việc xử phạt sao cho mềm dẻo và phù hợp với nét văn hóa của vùng miền. 

"Vừa qua trên mạng xã hội đã đưa rất nhiều hình ảnh trong dịp Tết mà lực lượng chức năng đi vào vùng nông thôn để kiểm tra nồng độ cồn rồi xử phạt", bà Lý Thị Lan nêu thực tế.

Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, thời gian qua có những hình ảnh không được đẹp về đội ngũ thực thi công vụ, gây sự tranh cãi trong xã hội. 

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc. (Ảnh: Duy Linh)

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc. (Ảnh: Duy Linh)

Bà Phúc cho rằng, mục đích tốt đẹp khi áp dụng pháp luật là bảo đảm tính mạng và tài sản của con người.

"Nhưng việc làm của chúng ta đâu đó vẫn có những hình ảnh rất phản cảm. Theo thông tin tôi biết được trên các kênh truyền thông, trong thời gian tới lực lượng chức năng sẽ mật phục và mặc thường phục để phát hiện những người sử dụng rượu bia xử phạt. Vậy cớ gì mà chúng ta phải làm việc đó, tại sao chúng ta không nâng từ việc xử phạt thành nâng cao ý thức pháp luật người dân lên", đại biểu Phúc bày tỏ.

Nêu quan điểm không ủng hộ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng rượu bia, hành vi này phải được pháp luật điều chỉnh và xử lý vi phạm, tuy nhiên vị đại biểu này cho rằng, việc quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe đang có rất nhiều tranh cãi.

"Tôi cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 khác với việc người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia. Bởi việc này phải có sự tham gia của các nhà khoa học và đặc biệt là cơ quan y tế", đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói.

Bà Huỳnh Thị Phúc cho rằng không nên quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bằng 0 bởi ngoài rượu bia thì các loại giấm táo hay đồ uống khác không phải rượu bia nhưng khi uống vào cơ thể thì sẽ vượt mức 0.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bảo lưu quan điểm đã đưa ra khi thảo luận tại kỳ họp thứ 6 là cần có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu khi lái xe.

Theo đại biểu Hòa, nên quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm "Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở".

Đại biểu Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Duy Linh)

Đại biểu Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Duy Linh)

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định ở thành thị, nhiều người có tài xế riêng hoặc sử dụng xe dịch vụ. Nhưng đồng bào ở vùng khó khăn như Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long không có điều kiện đi xe dịch vụ sau khi sử dụng rượu bia thì quy định 100% không có nồng độ cồn khi lái xe không khả thi.

"Thực tế, bản thân tôi uống 1 lon bia hoặc 1 - 2 cốc rượu tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn được. Dân tộc ta có truyền thống lâu đời về liên hoan, tiệc tùng. Ví dụ uống chiều hôm qua, sáng hôm nay lái xe vẫn còn có nồng độ cồn và bị xử phạt thì rất vô lý", ông Phạm Văn Hòa nói.

Ủng hộ đã uống rượu bia thì không lái xe nhưng vị đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị Quốc hội xem xét, cơ quan y tế cũng cần phối hợp để có tính toán về vấn đề này.

Bình luận
vtcnews.vn