Đấu với hàng Trung Quốc giá rẻ, thời trang Việt dùng chiêu gì?

Kinh tếThứ Tư, 04/06/2014 07:20:00 +07:00

(VTC News) - Một số thương hiệu thời trang Việt do biết lựa chọn phân khúc, đầu tư làm thương hiệu tốt, nên vẫn sống khỏe.

(VTC News) - Trước sự ồ ạt, lấn sân của hàng dệt may Trung Quốc, một số thương hiệu thời trang Việt do biết lựa chọn phân khúc, đầu tư làm thương hiệu tốt, nên vẫn sống khỏe.

Lần mò tìm lối đi

Anh Trần Đình Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Thanh An (TPHCM) chia sẻ trên báo chí, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may, đại diện cho nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài tại Việt Nam, anh đã quyết định xây dựng nhãn hiệu đồ thể thao tasportswear chào bán tại thị trường nội địa và nước ngoài.

hàng hiệu, hàng Việt, thương hiệu Việt, sống khỏe, may mặc
Nhiều thương hiệu Việt đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt 

Theo anh Vũ, để tiêu thụ được tại thị trường nội địa là điều không dễ, một chiếc áo thể thao chất liệu thấm hút mồ hôi của nhãn hiệu Adidas, Nike tiêu thụ tại Việt Nam có giá trên 1 triệu đồng, cũng chất liệu đó sản phẩm của tasportswear chỉ khoảng 200.000 đồng/chiếc.


Khởi đầu, anh đã từng mang hàng để chào bán tại các sân tennis, khổ nỗi những chiếc áo thể thao hàng giả, nhái bán đầy rẫy trên thị trường lại rẻ hơn, chỉ có 100.000 – 150.000 đồng/chiếc. Đó là cản trở rất lớn trong việc thuyết phục khách hàng, nhưng chính chất lượng sản phẩm đã được những người chơi thể thao tin dùng.

Theo các doanh nghiệp dệt may, sở dĩ họ không mặn mà với thị trường trong nước vì dù giá thành của 1 sản phẩm bán trong nước cao hơn hẳn so với giá xuất khẩu, nhưng họ không dám mạo hiểm vì để làm việc này phải đầu tư mặt bằng, hệ thống phân phối, chấp nhận hàng tồn kho…

Mà đây chính là cái khổ mà nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã dấn thân, không lường trước được.

Chi phí mặt bằng tại Việt Nam tăng vùn vụt trong thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp thời trang trong nước khốn đốn, từ hừng hực khí thế đẩy mạnh chuỗi bán hàng, giờ kinh tế khó khăn phải thu hẹp, trả lại mặt bằng vì không kham nổi.

Doanh nghiệp có tiềm lực mới trụ nổi. Đây mới là khâu phân phối, còn việc thiết kế, tạo ra sản phẩm rồi cạnh tranh với hàng giá rẻ nước ngoài… Đó là câu chuyện dài của việc xây dựng thương hiệu của hàng thời trang Việt Nam.

Tuy nhiên với những doanh nghiệp đã có thương hiệu và tiềm lực kinh tế thì thị trường nội địa đang là một cơ hội lớn để phát triển.

Thương hiệu Việt mạnh vẫn sống khỏe

Một trong những thương hiệu đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam là May 10. Được thành lập từ năm 1946, gần 70 năm qua, May 10 luôn đạt được tốc tăng trưởng bình quân từ 15 – 20%/năm.

Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng May 10 vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh, với doanh thu tăng 20% so với năm 2012. Tổng doanh thu của May 10 năm 2013 đạt 1.816 tỷ đồng so với con số 1.500 tỷ đồng năm 2012. Thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng trưởng bình quân trên 15% trong năm 2013. Trong đó, doanh thu nội địa của May 10 vẫn tăng trưởng 7% so với năm 2012.

Theo ông Thân Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, một trong những bí quyết thành công là May 10 đã chú trọng đến vấn đề làm thương hiệu từ rất lâu.

Từ năm 1992, May 10 đã quyết định xây dựng những cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang cho thị trường nội địa đầu tiên bên cạnh thành công của lĩnh vực xuất khẩu trong thời kỳ đó.

“May 10 cũng giống như các thương hiệu khác, việc xây dựng được thương hiệu đã khó nhưng duy trì và phát triển, bảo vệ nó lại càng khó hơn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế”, ông Việt nhấn mạnh.

Để một thương hiệu thành công, theo ông Việt cần phải có 3 yếu tố. Thứ nhất là phải luôn tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo xu hướng thời trang cũng như nhu cầu về thời trang của người tiêu dùng. Hai là, sản phẩm phải tạo được chất lượng và thân thiện với người sử dụng. Ba là, giá cả phải phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Một thương hiệu thời trang nữ khác cũng được khách hàng Việt yêu thích là Chic-land. Không tổ chức quảng cáo rầm rộ hoặc cho ra mắt những bộ sưu tập thời trang bắt kịp xu hướng, chic-land chọn cách khẳng định thương hiệu đến từ sản phẩm và dịch vụ của mình.

Theo bà Nguyễn Thanh Hiền – Giám đốc Marketing của Chic-land, các sản phẩm của Chic-land tập trung cho các đối tượng trên 35 tuổi và chủ yếu là các nữ doanh nhân. Vì vậy, thay vì tập trung chạy theo xu hướng mới của thời trang, điểm nhấn của Chic-land là tạo ra các sản phẩm có phom dáng phù hợp với khách hàng, không làm lộ nhược điểm trên cơ thể của người mặc.

Chiến lược của Chic-land là tạo ra những sản phẩm chất lượng, đẳng cấp, xây dựng một hệ thống các đại lý rộng khắp ở tất cả các quận tại Hà Nội. Đặc biệt các cửa hàng của Chic-land phải được đặt ở những vị trí trung tâm, nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp và công ty đặc biệt chú trọng đến thiết kế của các đại lý này.

Ngoài ra, khác với nhiều thương hiệu thời trang khác, khi việc kinh doanh gặp khó khăn có thể sale off (giảm giá) thường xuyên để kích cầu, nhưng Chic-land hướng đến những khách hàng đẳng cấp nên rất ít khi tổ chức các đợt sale off này.

“Nếu sale off nhiều quá, khách hàng sẽ có tâm lý chờ đợi thay vì mua sản phẩm đúng giá. Hơn nữa, với những thương hiệu đẳng cấp, nên sale off nhiều quá sẽ làm giảm giá trị sản phẩm trong mắt người tiêu dùng”, bà Hiền nhấn mạnh.

Hàng hiệu Việt Nam vẫn là bài toán khó

Với chiến lược trở thành nhà sản xuất và phân phối các sản phẩm thời trang về Jeans ở vị trí hàng đầu tại Việt Nam, GenViet Jeans cũng đã tạo ra những sản phẩm mang tính phù hợp cao với đông đảo người tiêu dùng…

Các sản phẩm GenViet được ưa chuộng trên thị trường được làm chủ đạo từ chất liệu Jeans như: quần dài, quần sooc, áo sơ mi, áo khoác, váy và thời trang trẻ em…

Tiền thân là công ty cổ phần thời trang Genova Việt Nam được thành lập vào ngày 7/3/2010 với thương hiệu ban đầu là “Genova Jeans” (Genova là tên thành phố quê hương của chất liệu Denim – chất liệu làm nên chiếc quần Jeans). Và nay, khi cái tên GenViet Jeans chính thức thay thế nhãn hiệu.

Ưu điểm của sản phẩm GenViet là sự am hiểu về phom dáng người tiêu dùng, chất liệu vải phù hợp với khí hậu và thời tiết từng mùa. Các chi tiết phụ kiện đi kèm như khuy, khóa, nhãn mác được đồng bộ thương hiệu tạo nên phong cách và sự khác biệt so với hàng trôi nổi trên thị trường.

Đặc biệt, các sản phẩm của GenViet Jeans đều có mức giá phải chăng.

Việc các doanh nghiệp dệt may Việt đang dần khẳng định mình trên thị trường nội địa thông qua các sản phẩm cao cấp được khách hàng ưa chuộng thời gian gần đây là một trong những điểm đáng mừng.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Việt Nam, để tạo dựng được vị thế vững chắc cho “hàng hiệu” Việt Nam trên thị trường vẫn là bài toán khó.

Cần có thời gian kiểm chứng và sự đầu tư nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp. Bởi hàng hiệu không chỉ thuần túy là quảng bá rùm beng hay giá thật cao, bán thật đắt, mà đòi hỏi có một chiến lược rõ ràng vừa tránh đối đầu trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài vừa đưa ra được các sản phẩm chất lượng cao giá hợp lý và  phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt.

Châu Anh
>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn