Đại học Ấn Độ mở khóa học chữa 'ma ám'

Giới trẻThứ Sáu, 27/12/2019 17:14:21 +07:00
(VTC News) -

Một trường đại học Ấn Độ mở khóa học hướng dẫn bác sỹ chữa trị các bệnh nhân tin mình bị ma ám.

Khóa học mang tên "nghiên cứu ma" được Đại học Banara Hindu mở ra từ tháng 1/2020, kéo dài trong 6 tháng. 

Theo BBC, khóa học này sẽ đào tạo bác sỹ chữa trị cho các bệnh nhân cho rằng mình nhìn thấy ma hoặc bị ma ám bằng cách điều trị rối loạn tâm lý với nền tảng là y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda. Hãng tin IANS của Ấn Độ dẫn báo cáo cuả Banara Hindu về khóa học này cho biết khóa học sẽ tập trung vào "các bệnh về tâm lý". 

Đại học Ấn Độ mở khóa học chữa 'ma ám' - 1

 Trường đại học Ấn Độ mở khóa học hướng dẫn bác sỹ chữa trị các bệnh nhân tin mình bị ma ám. (Ảnh: Getty)

"Khóa học này chủ yếu liên quan tới các rối loạn tâm lý, các bệnh gây ra bởi các nguyên nhân chưa rõ và các bệnh về tâm lý", bà Yamini Bhushan Tripathi, trưởng Khoa Y học cổ truyền Ấn Độ thuộc Đại học Banara Hindu cho hay. 

Một số người sau khi hay tin về khóa học nhầm lẫn rằng khóa học có thể chữa được chứng ma ám của bệnh nhân. Tuy nhiên, bà Tripathi khẳng định, khóa học sẽ hướng dẫn các bác sỹ sử dụng các phương thuốc được đề cập trong Ayurveda để chữa các bệnh liên quan tới ma. 

Cũng không ít người phàn nàn rằng cái tên của khóa học được đặt quá "kêu" trong khi nó đơn giản chỉ là cách áp dụng Ayurvedic để chữa các bệnh rối loạn về tâm lý, một lĩnh vực hợp pháp của y học hiện đại. 

"Chỉ khác ở cái tên mà thôi", một người dùng Twitter bình luận. 

Người dân Ấn Độ và nhiều quốc gia khác từng quan niệm bệnh động kinh là do ma quỷ chiếm hữu. Một số bệnh nhân Ấn Độ hiện nay vẫn chọn cách trừ tà để chữa trị căn bệnh này. 

Song Hy(Theo Newsweek)
Bình luận
vtcnews.vn