Đại biểu Quốc hội: Chờ người sử dụng ma tuý tự khai báo thì khó khả thi

Chính trịThứ Sáu, 13/11/2020 12:59:11 +07:00
(VTC News) -

Dự thảo Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình với các cơ quan chức năng.

Sáng nay (13/11), Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận nội dung của Dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Người sử dụng ma túy tự khai báo 

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định) cho rằng, dự thảo Luật đưa ra quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình với các cơ quan chức năng là không khả thi.

Theo quy định hiện hành người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền. Chính vì vậy, đại biểu Nhất đặt câu hỏi “Khi tự khai báo thì họ có bị phạt không? Nếu tự khai báo mà vẫn bị phạt thì quy định này khó khả thi”.

Đại biểu Quốc hội: Chờ người sử dụng ma tuý tự khai báo thì khó khả thi - 1

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất.

Cùng góp ý vào dự luật này, đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) băn khoăn về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trên 18 tuổi và dưới 18 tuổi trong dự thảo luật có sự phân biệt khi thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi là 6 tháng, chỉ bằng một nửa so với người trên 18 tuổi.

Đại biểu này cho rằng, độ tuổi không nói lên thời gian sử dụng, tiếp cận ma túy hay liều lượng sử dụng nhiều hay ít, nhất là tình hình học sinh sử dụng trái phép chất ma túy đang có chiều hướng phức tạp. “Ban soạn thảo cần xem xét điều chỉnh quy định này cho hợp lý hơn” - đại biểu Yến Linh đề nghị.

Người nghiện ma tuý là bệnh nhân hay tội phạm?

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau khi có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này, coi người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn ma túy thì Bộ luật Hình sự đã không quy định đây là tội danh.

Đại biểu Quốc hội: Chờ người sử dụng ma tuý tự khai báo thì khó khả thi - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phát biểu

Từ đó, đại biểu Thủy đề nghị cần phải phân biệt rõ giữa người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. Lý do, chúng ta không xác định được sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện. Trong khi đó, có những trường hợp chỉ sử dụng ma túy một vài lần đã trở thành người nghiện.

Việc phân biệt chính xác hai diện đối tượng này để có biện pháp tương xứng về pháp luật là rất cần thiết và quan trọng. Đối tượng nào thì biện pháp đó”, đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, quan niệm về người nghiện là bệnh nhân hay tội phạm thì phải xét tính chất.

"Trước hết, phải xác định nghiện ma túy là trạng thái bệnh lý nên họ là bệnh nhân. Nếu người nghiện ma túy mà làm việc phạm pháp thì họ là tội phạm" - ông Trí nhấn mạnh. Đại biểu Trí cũng cho rằng, đây là luật phòng, chống ma tuý nhưng phần “phòng” còn hơi mờ nhạt. Chính vì vậy, cần có quy định về nội dung phòng, phải có người làm, có cơ quan chịu trách nhiệm.

Bộ Công an sẵn sàng quản lý cơ sở cai nghiện

Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm gửi lời cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đa dạng, sâu sắc và mong thời gian tới tiếp tục nhận được các góp ý để hoàn thiện Dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội: Chờ người sử dụng ma tuý tự khai báo thì khó khả thi - 3

Bộ trưởng Tô Lâm.

Về quản lý cơ sở cai nghiện, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ Công an “không ngại” vấn đề này. “Nếu được cho phép, chúng tôi rất sẵn sàng”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho rằng đây cũng là một biện pháp ngăn ngừa tội phạm.

Đi sâu vào các vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trong quá trình xây dựng luật, quan điểm phòng ngừa ma tuý, giảm tác hại của ma tuý rất được ban soạn thảo chú trọng. Trước những ý kiến khác nhau về người nghiện ma tuý và người sử dụng ma tuý trái phép, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo luật, ban soạn thảo luôn đặt trọng tâm của dự luật là con người.

Hiện nay người nghiện ma tuý rất đa dạng, từ cán bộ, trí thức đến thanh niên, thậm chí trẻ em cũng có. Có quan điểm đây là những người rất đáng thương, cần phải có biện pháp xã hội để bảo vệ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phần lớn đây là những người có nhân thân xấu, phần lớn có tiền án tiền sự, có bệnh lý nền khác, bị xem là “con bệnh”, trong gia đình, thôn xóm cũng xa lánh, cảnh giác.

Vậy thì thái độ của xã hội với người sử dụng trái phép chất ma tuý sẽ như thế nào? Vấn đề này đã được thể hiện rất rõ trong dự thảo luật”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, cơ quan chuyên trách về ma tuý rất nhiều, mức độ tuy có khác nhau nhưng cùng chung mục đích là phối hợp cùng ngăn chặn, đẩy lùi ma tuý. Nhưng cơ quan chủ trì là Bộ Công an, điều này được nêu trong các quy định hiện hành.

Qua tổng kết kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm ma tuý từ 2017 đến 2019, các cơ quan chuyên trách của Bộ Công an trực tiếp phát hiện, điều tra, xử lý trên 95% số vụ, đối tượng tội phạm về ma tuý”, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng.

Theo kế hoạch, Dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV.

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn