Cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều: Chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết vô cùng nhỏ

Thế giớiThứ Ba, 05/06/2018 15:14:00 +07:00

Mọi sự tập trung của truyền thông quốc tế đều đổ dồn về Singapore nơi công tác hậu cần cho cuộc đàm phán lịch sử Mỹ-Triều đang được gấp rút chuẩn bị với từng chi tiết nhỏ phải được chăm chút kỹ lưỡng.

Theo New York Times (NYT), lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ yêu cầu phải quyết định vô số chi tiết vô cùng nhỏ, và thường phải thông qua những cuộc đàm phán ngoại giao phức tạp.

Cũng không tránh khỏi trường hợp một chi tiết nào đó được lãnh đạo hai bên tung ra vào phút cuối, khi cả hai lãnh đạo từng cho thấy xu hướng “không làm theo kịch bản” trong quá khứ.

Vì vậy, thậm chí trước khi lãnh đạo hai bên tuyên bố chính thức khôi phục lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã phải đến Singapore để bàn bạc công tác hậu cần cho sự kiện lịch sử.

trump-northkorea

 Tổng thống Trump gặp quan chức Triều Tiên tại Nhà Trắng để lên kế hoạch cho hội nghị. (Ảnh: NYT)

Lên kế hoạch tỉ mỉ

Những vấn đề cần thảo luận nằm trong mọi thứ liên quan đến hội nghị, bao gồm địa điểm, nơi các lãnh đạo ngồi, ai được cho phép vào phòng cùng với họ, số bữa ăn và thời gian nghỉ, sử dụng đồ uống gì để hai lãnh đạo nâng ly (vì ông Trump không uống rượu), quà tặng gì có thể được trao đổi và những loại hóa đơn nào cần phải thanh toán. 

Vấn đề quan trọng hàng đầu hai bên quan tâm đó là an ninh. Với tư cách nước “chủ nhà”, Singapore sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trên đường đi và những nơi công cộng khác, nhưng Mỹ và Triều Tiên phải đảm bảo sự an toàn cho lãnh đạo của họ.

Mỗi khi đi công du nước ngoài, Tổng thống Mỹ lại được tháp tùng bởi một đội đặc vụ, những chiếc limousine, trực thăng và những phương tiện bảo hộ khác. Trong khi đó Chủ tịch Triều Tiên ít có kinh nghiệm ra nước ngoài hơn. Theo NYT, Singapore sẽ là nơi xa nhất ông Kim đặt chân đến kể từ khi nhậm chức năm 2011.

Dù chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày dự kiến tổ chức cuộc gặp Trump – Kim, quan chức hai bên vẫn chưa thông báo chính xác địa điểm sẽ diễn ra hội nghị tại Singapore. Khách sạn Shangri-La, nơi được nhiều Tổng thống Mỹ trước đó yêu thích, hoặc đảo Sentosa, phía Nam Singapore là một số trong các địa điểm được xem xét.

Video: Bí mật đôi giày ông Kim dùng tại hội nghị liên Triều

Không chỉ là ai trả tiền

Ngày 1/6, Washington Post đưa tin đội quan chức do ông Hagin dẫn đầu phải thảo luận với một nhóm quan chức Triều Tiên do ông Kim Chang-son, Ủy ban quốc vụ Triều Tiên dẫn đầu, về việc ai sẽ trả tiền khách sạn cho ông Kim Jong-un và đoàn tùy tùng.

Triều Tiên từng một số lần khiến chính phủ các nước khác trả chi phí khi quan chức của họ đi công tác. Tại Olympic Pyeongchang ở Hàn Quốc hồi tháng 2, Hàn Quốc cũng trả chi phí khách sạn, bữa ăn và đi lại khoảng 225.000 USD cho một phái đoàn Triều Tiên có bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un. Hàn Quốc còn trả một khoản phí 121.000 USD cho phái đoàn Triều Tiên đến tham dự Paralympic.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho biết nước này sẵn sàng chia sẻ một số khoản phí cho hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên, dù vậy con số cụ thể không được tiết lộ.

Tại sao câu hỏi ai trả tiền lại quan trọng? Theo NYT, điều này góp phần quyết định rằng ai thực sự đang chủ trì cuộc hội nghị. Câu hỏi kéo theo nhiều quyết định khác bao gồm ai sẽ quyết định thực đơn bữa ăn, ai sẽ bước vào hội trường gặp mặt trước.

Trong khi Tổng thống Trump được biết đến với cách tiếp cận các lãnh đạo nước ngoài theo kiểu thông thường, không quá xem trọng giao thức, thì người Triều Tiên lại được cho là ý thức rất rõ về vị thế và mọi chi tiết dù nhỏ nhất đều được chú ý.

Đơn cử như việc ai ngồi đâu trên bàn đàm phán. Thông thường, người có vị trí cao hơn sẽ bước vào phòng hội nghị cuối cùng và ngồi xa nhất so với cửa, một quan chức Nhật từng tham dự đối thoại Nhật – Triều cho biết. Trong trường hợp ông Kim và ông Trump, một giải pháp được nghĩ tới có thể là chọn căn phòng có hai cửa vào.

Những người tổ chức sự kiện cũng phải kiểm tra khóa cửa để tránh những trường hợp như năm 2005, khi cựu Tổng thống George W. Bush gặp cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh, ông Bush trả lời phỏng vấn trong một căn phòng rồi cố gắng đi ra qua cánh cửa đã bị khóa.

Bàn chuyện ngồi xong đến bàn chuyện đi đứng, mỗi lãnh đạo nên bước bao nhiêu bước trước khi dừng lại cho máy ảnh chụp cũng phải lên kế hoạch tỉ mỉ. Trong những “pha” chụp hình, hai bên cũng có thể phải bàn xem quốc kỳ có được sắp xếp vào hay không.

“Họ có muốn công nhận Triều Tiên như một nước giống các nước khác hay không? – ông Mitoji Yabunaka, nhà ngoại giao kỳ cựu đồng thời là cựu thứ trưởng ngoại giao Nhật giải thích tầm quan trọng của lá cờ Triều Tiên có thể được thể hiện khi Mỹ - Triều không chính thức có quan hệ ngoại giao.

Video: Khoảnh khắc lịch sử lãnh đạo liên Triều bắt tay hai bên đường biên giới

Vẫn sẽ có những bất ngờ

Theo NYT, lợi thế lớn nhất đối với Mỹ có lẽ là cuộc gặp tổ chức ở Singapore chứ không phải Bình Nhưỡng, nơi người Triều Tiên nắm giữ quyền kiểm soát mọi chi tiết. Nhưng dù vậy, họ vẫn luôn có thể “xoay chuyển” bất cứ kế hoạch chi tiết nào bằng cách không tham dự hoặc thay đổi thái độ.

Lãnh đạo Kim Jong-un thậm chí có thể tạo bất ngờ dù không ở quê nhà. Trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại biên giới Bàn Môn Điếm, ông bất ngờ thu hút sự chú ý của cả thế giới chỉ với cử chỉ đơn giản khi đưa tay ra mời ông Moon bước qua lằn ranh ngăn cách sang phía Bắc.

“Các nhà ngoại giao Mỹ nên cẩn thận” – Takeo Harada, nhà ngoại giao Nhật cho biết. “Dù có thể họ đang rất thân thiện, bạn không bao giờ biết phía Triều Tiên sẽ cư xử như thế nào cho đến phút cuối cùng khi cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim diễn ra."

   

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn