Có nên giao bài tập về nhà cho học sinh dịp Tết?

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 09/02/2024 09:10:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều ý kiến xung quanh việc có nên giao bài tập cho học sinh ngày Tết.

Chị Hà Thị Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) ngao ngán khi thấy tờ phiếu bài tập về nhà dịp Tết của cậu con trai lớp 7.

"Nghỉ Tết 8 ngày, nhưng giáo viên môn nào cũng giao bài tập về nhà, ít thì 5 câu, nhiều thì hơn 10 câu. Tổng 6 môn cũng chừng trên dưới 50 câu hỏi bài tập. Hoàn thành hết đống bài tập này cũng không còn thời gian mà chơi Tết", vị phụ huynh nói.

Tết là dịp các con được thư giãn, nghỉ ngơi, sum vầy với các thành viên trong đại gia đình, không nên chỉ chăm chú vào hoàn thành các bài tập, tạo tâm lý chán nản cho các con. Chỉ riêng với học sinh cuối cấp như lớp 9, 12 trong giai đoạn nước rút thì giáo viên có thể giao một số bài tập ngắn nhằm củng cố kiến thức.

"Việc nhớ hay quên kiến thức là cả quá trình, nghỉ Tết vài ngày không thể biến đứa trẻ từ giỏi thành dốt hoặc ngược lại", chị nói.

Quê nội, quê ngoại khá xa Hà Nội, mất nhiều thời gian di chuyển trên đường, nên chị để cho con thời gian nghỉ ngơi, vui chơi chúc Tết cổ truyền, học tập lễ nghĩa, thăm hỏi họ hàng sau mộtnăm xa quê. Chị Minh thấy như vậy sẽ thiết thực hơn là bài tập trong sách vở.

Nhiều ý kiến xung quanh việc có nên giao bài tập cho học sinh ngày Tết. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều ý kiến xung quanh việc có nên giao bài tập cho học sinh ngày Tết. (Ảnh minh hoạ)

Đồng quan điểm, chị Lê Thị Hoài (Phú Thọ) ủng hộ việc các thầy cô giáo không giao bài tập về nhà dịp Tết cho học sinh. Học sinh học 2 buổi/ngày nên mọi kiến thức, bài tập được giải quyết trên lớp. Do vậy, thời gian ở nhà là để các con tự ôn tập và chuẩn bị bài mới, dành thời gian giao tiếp, chia sẻ và cùng nhau chăm sóc, quan tâm người thân.

Trong thời gian nghỉ Tết, các em rất cần được thoải mái tinh thần tận hưởng không khí vui tươi ngày Tết, vui chơi cùng gia đình đúng nghĩa sau những ngày ôn tập và hoàn thành chương trình kiểm tra kết thúc học kỳ 1.

Có nên giao bài tập về nhà dịp Tết?

Theo chị Hoài, ngoài việc học, thông qua các hoạt động vui xuân, giao tiếp, chia sẻ và du lịch, về quê, thăm và chúc tết người thân, họ hàng, các con cũng sẽ được học tập trải nghiệm thực tế, có thêm nhiều chất liệu cuộc sống, kỹ năng và hình thành nhân cách, bồi dưỡng phẩm chất.

Thầy Phạm Minh Phương, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Đại học Sư phạm cho rằng, tùy thuộc vào các môn học khác nhau mà thầy cô giáo mới giao với số lượng khác nhau cho phù hợp.

Thầy cô chỉ nên đưa ra các yêu cầu cơ bản như: học thuộc bài thơ, ôn lại bài toán, công thức... vì dịp Tết Nguyên đán là thời gian để học sinh vui chơi, dành thời gian bên gia đình.

"Nếu chỉ chăm chăm vào hoàn thành lượng bài tập khổng lồ thì sẽ tạo cho học sinh cảm nhàm chán, sợ học, sợ Tết", thầy Phương phân tích.

Vài năm gần đây, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm không yêu cầu giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh, các thầy cô giáo được quyền chủ động quyết định vấn đề này, "đa phần chọn phương án không giao bài tập dịp Tết".

Để tạo động lực cho các em thích nghi sau Tết Nguyên đán, những buổi học đầu các thầy cô giáo thường tập trung vào chia sẻ cảm nhận của bản thân về kỳ nghỉ, thay vì bắt đầu luôn vào môn học, tạo tinh thần thoải mái, hứng thú.

Mới đây, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cũng có thư ngỏ gửi thầy cô giáo trong trường về việc nhắc lại lời hứa cách đây 12 năm, không giao bài tập về nhà cho học sinh.

“Nhân dịp Tết Giáp Thìn, tôi nhắc lại lời hứa được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình!”, thầy Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh trong thư ngỏ.

Thầy Khang cho rằng, sau một học kỳ, Tết là dịp để học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không cần giao bài tập để học sinh được vui chơi, tham gia các hoạt động cùng gia đình một cách thoải mái, không bị áp lực bài vở.

Tại trường, nhiều năm nay đã quán triệt thầy cô không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trước khi học sinh nghỉ học, thầy cô nhắc nhở, khuyến khích các em tham gia, phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, trò chuyện nhiều hơn với người thân để gắn kết tình cảm.

Ông Nguyễn Quang Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Tây Thạnh (Tân Phú, TP.HCM) cũng cho biết, đây là năm đầu tiên nhà trường ra thông báo đề nghị giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết dưới bất kỳ hình thức nào.

Ông Đạt cho hay, kỳ nghỉ Tết dài dành thời gian cho các em sum họp cùng gia đình. Do đó, việc giáo viên không giao bài tập về nhà sẽ tạo cho các em tâm lý thoải mái, vui vẻ để có thể cùng gia đình trải nghiệm một kỳ nghỉ Tết trọn vẹn, nhiều yêu thương, ấm áp. 

Theo thầy Đạt, những năm trước, dù nhà trường luôn quán triệt với giáo viên không giao bài tập về nhà dịp Tết để tránh tạo áp lực cho học sinh, nhất là lớp 12. Tuy nhiên, một số giáo viên và cả phụ huynh học sinh vì thương, lo lắng các con nghỉ tết dài sẽ chểnh mảng việc học hành, kiến thức không đảm bảo nên vẫn giao một số bài tập cho học sinh dịp tết.

Chính vì vậy mà năm nay, trường THPT Tây Thạnh ra thông báo gửi đến tất cả giáo viên cũng như thông báo đến toàn thể phụ huynh học sinh để cùng thống nhất về quan điểm.

Khánh Sơn
Bình luận
vtcnews.vn