Chuyên gia kinh tế: Bao nhiêu sai phạm ở Petrolimex đều đổ đầu người tiêu dùng

Kinh tếThứ Sáu, 04/03/2016 03:30:00 +07:00

Sau hàng loạt những sai phạm của Petrolimex, trách nhiệm thuộc về ai chưa bàn đến những người thiệt thòi vẫn chỉ là người tiêu dùng

(VTC News) - Các chuyên gia cho rằng, sau hàng loạt những sai phạm "trị giá" hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của Petrolimex, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai chưa bàn đến nhưng người thiệt thòi vẫn chỉ là người tiêu dùng.

Chỉ người tiêu dùng là thiệt thòi

Sau khi hàng loạt những sai phạm của Petrolimex từ năm 2010 đến quý 2 năm 2013 được Thanh tra Chính phủ phanh phui toàn bộ, dư luận không khỏi bức xúc khi những thiệt hại do doanh nghiệp này gây ra đã lên tớ những con số hàng tỷ, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất mà Petrolimex đã "ngấm ngầm" thực hiện trong quãng thời gian này, đó là việc Tập đoàn này đã tự ý điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trái với quy định và sự điều hành của Liên bộ Tài chính Công thương, chưa kể nhập nhèm trong cách tính giá xăng dầu cơ sở, từ đó làm "đội" giá xăng bán lẻ, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.
Petrolimexđã tự ý điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trái với quy định và nhập nhèm trong cách tính giá xăng dầu cơ sở, làm "đội" giá xăng bán lẻ, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng - Ảnh minh họa
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của Công ty mẹ đối với các công ty xăng dầu thành viên chưa tuân thủ nguyên tắc, phương pháp xác định giá quy định trong quy chế kinh doanh xăng dầu và không phù hợp với giá bán do Liên bộ Tài chính – Công thương điều hành, do đó xuất hiện việc quyết định giá dựa trên ý chí chủ quan, dễ phát sinh tiêu cực.

Thậm chí, ngay cả liên bộ Tài chính - Công thương cũng không xác định và công bố giá xăng dầu thế giới cho các thương nhân đầu mối để áp dụng tính giá cơ sở theo như đúng nghị định 84.

Chưa kể Petrolimex và Liên bộ còn đưa thêm cả chi phí vận tải và bảo hiểm vào giá cơ sở theo mức cố định cao hơn chi phí thực tế 67,641 triệu USD, dẫn đến tăng giá bán, lợi cho thương nhân đầu mối, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đây thực sự là điều rất đáng trách khi chính cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là liên bộ Tài chính - Công thương đã quá "buông lỏng" cho Petrolimex tự tung tự tác trong hàng nhiều năm như vậy.

"Là cơ quan quản lý, giám sát doanh nghiệp nhưng lại để doanh nghiệp hoạt động đến mức sai trái như vậy thì tôi thật không hiểu nổi, mà cuối cùng thì lại chỉ có người tiêu dùng là thiệt thòi".

 

Cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là liên bộ Tài chính - Công thương đã quá "buông lỏng" cho Petrolimex tự tung tự tác trong hàng nhiều năm như vậy.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
 
Ông Long cũng đặt nghi vấn, rằng liệu có phải chính sự mập mờ trong việc tính chi phí để "đội" giá xăng dầu cơ sở, khiến cho người dân phải chịu cảnh xăng tăng nhanh, giảm chậm, mua xăng với giá "khống" mà không hay biết.


"Petrolimex hàng năm vẫn kêu lỗ nhưng đến khi báo cáo cuối năm luôn công bố lãi lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Phải chăng chính vì anh hạch toán thêm chi phí vào giá cơ sở, rồi tự ý điều chỉnh giá xăng, tự áp dụng định mức vùng trái với quy định... nên anh mới có lãi khủng đến như vậy? Trong khi trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu để mà cuối cùng phải để người tiêu dùng phải mua xăng với giá "khống"?, ông Long đặt câu hỏi.

Cuối cùng ông Long nhấn mạnh: "Theo tôi, trách nhiệm lớn nhất ở đây thuộc về ai sẽ do pháp luật phán quyết, nhưng nhất quyết phải có biện pháp xử lý thật nghiêm không chỉ doanh nghiệp, mà phải cả cơ quan quản lý thì mới có đủ sức răn đe, đòi lại được công bằng cho người dân".

Khi nào quyền lợi người tiêu dùng mới được đảm bảo?

Những kết quả của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của Petrolimex là những kết quả dựa trên hoạt động kinh doanh của Tập đoàn này trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến giữa năm 2013, tức là khi "mọi chuyện đã rồi".

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, xăng dầu là loại mặt hàng thiết yếu mà lại trong bối cảnh Petrolimex vẫn thống lĩnh thị trường xăng dầu trong nước như Việt Nam hiện nay, thì để người tiêu dùng không phải chịu thiệt thòi thì phải giải quyết được vấn đề từ "gốc" trở đi.

Từ những kết luận của thanh tra Chính phủ, ông Phong cho rằng có thể thấy được thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay của Petrolimex vẫn chưa có được cái "gốc" đó - đó chính là sự minh bạch.

"Vì Petrolimex vẫn ở trong thế độc quyền, do đó lợi ích của người dân sẽ bị xâm hại rất lớn nếu như Petrolimex vẫn hoạt động kinh doanh theo kiểu mập mờ, thiếu sự minh bạch. Điều đáng nói là doanh nghiệp này vẫn thường xuyên có lãi lớn, trong khi thường xuyên kêu than rằng "khó khăn" do giá dầu giảm, thuế suất lớn...

Chuyên gia Minh Phong cũng nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở sự điều hành của cơ quan quản lý. Vì sao Petrolimex lại có thể có những khoản đầu tư ngoài ngành không đúng quy định lên tới hơn 600 tỷ đồng, vì sao họ lại có thể đổ 400 tỷ đồng vào PG Bank, hay 51 tỷ đồng vào Công ty cổ phần bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công thương cũng như Thủ tướng?

"Từ những sai phạm như vậy mới thấy, nếu như Nhà nước, cơ quan quản lý của Petrolimex có được sự giám sát, điều hành chặt chẽ hơn, chính sách quản lý cũng nghiêm minh hơn thì sẽ không bao giờ có những lỗ hổng để Petrolimex làm thất thoát đến hàng trăm tỷ đồng như vậy".

Ngoài ra, để Petrolimex đi vào "nếp" hoạt động một cách minh bạch, trong sạch hơn, cũng đã đến lúc ngành xăng dầu cần phải có được sự cạnh tranh bình đẳng và cần phải xóa bỏ sự độc quyền của một doanh nghiệp duy nhất trên thị trường. Chỉ có như vậy thì quyền lợi của người tiêu dùng mới có thể đảm bảo được".
Petrolimex lãi kỷ lục dù doanh thu giảm

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex đã công bố mức lợi nhuận trước thuế của năm 2015 đạt 3.766 tỷ đồng, tăng hơn 3.400 tỷ so với năm 2014.

Petrolimex cũng đã "công nhận" rằng đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục từ trước đến nay của mình, dù doanh thu giảm do giá xăng nhiên liệu giảm theo giá dầu thô thế giới.

Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất (bao gồm tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm,…) đạt hơn 146.500 tỷ đồng, bằng 71% so với cùng kỳ.

Trong 3.766 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mảng kinh doanh xăng dầu là mảng mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho Tập đoàn, với 1.989 tỷ đồng, tương đương 53% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Tính trung bình, lợi nhuận trước thuế khi bán ra một lít (kg) xăng dầu của Petrolimex là 222 đồng.

Theo lý giải của đại diện Tậ đoàn Petrolimex, lợi nhuận mặt hàng xăng dầu của Petrolimex trong năm 2015 có sự tăng trưởng là do thay đổi phương thức tính giá mua hàng nhập khẩu phù hợp với diễn biến thị trường; bên cạnh đó là hợp lý hóa đường vận động hàng hóa và cơ cấu tồn kho xăng dầu; giảm chi phí tài chính. Ngoài ra cũng là nhờ sự gia tăng về sản lượng xăng dầu, đặc biệt là trong khâu bán lẻ...

Huyền Trân

Bình luận
vtcnews.vn