'Chỉ phải trả 6.000 đồng/tháng tiền thu gom rác là vô lý'

Đời sốngThứ Bảy, 13/06/2020 08:26:01 +07:00
(VTC News) -

TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, việc thu phí 6.000 đồng/tháng tiền thu gom rác như hiện nay khiến nhiều người dân không có ý thức, vô tư xả rác tùy ý.

Nên có quy định xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thu phí xử lý rác thải theo khối lượng thay vì thu quân bình đầu người theo tháng gây ra nhiều tranh cãi.

'Chỉ phải trả 6.000 đồng/tháng tiền thu gom rác là vô lý' - 1

TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. (Ảnh: Dân trí)

Trả lời PV VTC News, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường bày tỏ: “Làm thế nào để cân được, việc tổ chức, triển khai việc cân rác ra sao?”.

Ông Tùng cho rằng, có thể người dân đang hiểu lầm về đề xuất thu phí thu gom rác theo kilogam của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. “Khi nghĩ đến cân thì người ta thường nghĩ đến việc cân đo đong đếm cẩn thận. Tôi nghĩ Bộ trưởng Trần Hồng Hà muốn diễn đạt ý thu gom rác theo khối lượng”.

Ông Tùng ủng hộ nên có phương án phải trả tiền theo lượng rác thải ra, điều này sẽ tạo công bằng và giúp người dân có ý thức xả ít rác, phân loại rác để bảo vệ môi trường.

Theo ông Tùng, hiện nay người dân Hà Nội chỉ phải trả 6.000 đồng/tháng tiền thu gom rác là vô lý. “Nên có quy định về việc xả rác ít thì trả ít tiền, xả nhiều thì trả nhiều”, ông Tùng đề xuất.

Ông Tùng lý giải, nhiều người nghĩ đã nộp 6.000 đồng phí thu gom rác thì muốn thải ra bao nhiêu cũng được. Trong khi đó, việc vận hành thu gom xử lý rác rất tốn kém, xưa nay nhà nước phải “bao cấp”. Tuy nhiên, để thực thi việc tính phí thu gom rác theo khối lượng thì Nhà nước phải tính toán trả như thế nào cho thuận tiện, chi phí phải phù hợp chứ không thể để giá “trên trời”. Đồng thời, cần phải chỉ rõ cho người dân hiểu, khi đã thu phí thì tiền được sử dụng như thế nào, cần phải công khai minh bạch.

Ông Tùng lấy ví dụ, ở một số nước sẽ dùng một cái túi đựng rác, có thể sau này chúng ta cũng dùng túi, túi này phải mua, nếu dùng nhiều túi đồng nghĩa với việc phải trả nhiều tiền. Cách này không cần phải cân hay đo khối lượng rác thải rồi tính phí.

Thu phí rác thải phải công bằng

'Chỉ phải trả 6.000 đồng/tháng tiền thu gom rác là vô lý' - 2

PGS.TS Bùi Thị An. (Ảnh: Lao Động)

Trong khi đó, nói về đề xuất này của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội lại cho rằng thu phí rác sinh hoạt theo khối là việc không khả thi. Theo PGS. TS Bùi Thị An, đã là rác độc hại thì cần phải có sự công bằng khi thu phí.

Việc thu tiền của người dân thì rất dễ, nhưng còn rác của các doanh nghiệp, khu công nghiệp thì sao, rác thải gây ô nhiễm như khói bụi thì tính phí kiểu gì”, PGS. TS Bùi Thị An đưa ra câu hỏi.

Nữ Đại biểu Quốc hội nhận định, ai gây ô nhiễm thì đều phải thu phí nhưng cần phải xem nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường, cho đất, cho không khí, cho nước… là ai, liệu có tính phí nổi bằng cân nặng không?

Ngày 12/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tính theo lượng có nghĩa là xả ra khối lượng rác nhiều, tức thể tích nhiều thì phải trả tiền nhiều, chứ không đánh đều trung bình, bình quân.

Trước lo ngại về việc người dân vứt trộm rác thì việc thu phí liệu có khả thi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý rác. Nghĩa là phải có sự đồng bộ giải pháp từ người dân cho đến khâu cuối cùng là xử lý trên chặng đường thu gom, phân loại.

Quan trọng hơn nữa là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không, vì đây là việc người dân trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết vấn đề bảo vệ sức khoẻ cho chính mình. 

Trong trường hợp nếu khó khăn, nhà nước Nhà nước sẽ hỗ trợ cho một số đối tượng nhất định. Bên cạnh đó sẽ có chế tài xử phạt các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, việc đưa ra mức xử phạt như thế nào thì phải được Quốc hội cho phép. Nhưng quan điểm là phải xử phạt thật nghiêm, tiền xử phạt đủ lớn để răn đe, không để nhờn luật.

 

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn