Người dân trả phí rác theo kilogam: Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 12/06/2020 14:30:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần cụ thể hóa hình thức thu phí tiền rác chứ không thể theo mức chung chung như hiện nay.

Sáng nay (12/6), trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo thể tích rác, Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, nguyên tắc của việc thu phí tiền rác là không đổ đồng, không đánh đều bình quân.

“Lâu nay chúng ta thu rác vẫn đánh đồng bình quân từ 10.000 - 20.000 đồng. Không thể tính thế này mãi mà cần tính bằng khối lượng, thể tích”, ông Hà nhấn mạnh.

Người dân trả phí rác theo kilogam: Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải - 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều quốc gia hiện nay phân biệt rác bằng màu sắc bao bì. Trên bao bì này lại quy định theo thể tích.

“Điều này không cần thiết phải đưa vào luật mà chỉ cần đưa vào quy định là được. Chúng ta cũng có thể cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư. Nguyên tắc là không tính tiền xử lý rác bằng cách đổ đồng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Trả lời về khả năng thực thi những vấn đề này khi đại bộ người dân vẫn có thói quen vứt rác bừa bãi, ông Trần Hồng Hà cho rằng điều này là cả một thách thức lớn.

“Hàn Quốc mất 10 năm mới thực hiện được. Còn ở Việt Nam có thực thi được hay không thì còn căn cứ vào quan điểm, chủ trương của luật pháp xem có phù hợp với thực tế? Cần nghiên cứu, làm rõ và xác định đến từng người dân cho đến khâu cuối cùng là công tác xử lý”.

Nhấn mạnh việc xử lý rác thải sẽ quyết định chất lượng cuộc sống, Bộ trưởng Hà cho rằng “người dân cũng sẽ được thụ hưởng qua việc phân loại đó”.

“Chúng ta phải làm cho người dân cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ này và hiểu rằng điều này là làm cho chính họ. Vừa là tham gia công tác bảo vệ môi trường vừa bảo vệ chất lượng cuộc sống và cũng giúp họ nhận thức được rằng, việc xả rác của họ sẽ được giám sát. Người dân cũng phải hiểu việc bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng”, ông Hà nói.

Cũng theo người đứng đầu ngành tài nguyên, nhận thức của người dân hiện nay đã có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp các chính sách.

Một bộ phận đã ý thức được việc không nên dùng đồ nhựa nhưng cần tiến tới việc cấm sử dụng chất liệu này. Chúng ta cũng cần hình thành cơ chế để xử lý đối với những mặt hàng chỉ sử dụng 1 lần và không có tính chất phân hủy được. Chúng ta sẽ thu phí đối với người sản xuất và cả người tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại.

Nhưng quan trọng nhất, người tiêu dùng thông minh vẫn quyết định tất cả. Để làm được điều đó cần có sự hưởng ứng của nhiều thành phần, đặc biệt là người dân, các nhà sản xuất, nhà thương mại.

“Thế giới đang kêu gọi thay đổi nền kinh tế nhựa, chuyển đổi từ kinh tế nhựa, sao cho tái chế, tái sử dụng hoặc được sử dụng nhiều lần, nâng vòng đời của đồ nhựa được lâu hơn. Đồ nhựa không phải là vấn đề mà là đồ nhựa sử dụng một lần và không tái chế", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Luật Môi trường sắp tới là sẽ tăng hình thức xử phạt đối với người xả thải ra môi trường. Thậm chí, sẽ áp dụng khung cao nhất.

Đối với việc thanh tra các doanh nghiệp sẽ không theo kế hoạch có trước mà sẽ đột xuất, theo thông tin được phản ánh ở thời điểm đó.

Video: Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về đề xuất thu phí rác thải theo thể tích rác

Trước đó, thảo luận tổ tại phiên họp Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, theo nghiên cứu của Việt Nam, 40% chất thải là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, trong luật trình Quốc hội lần này đã quan niệm chất thải rắn sinh hoạt không phải là bỏ đi mà là một dạng tài nguyên.

Để sử dụng loại tài nguyên, theo ông Hà, có 2 yếu tố tiên quyết là việc phân loại rác từ đầu nguồn và công nghệ xử lý rác không chôn lấp. Tức là từ khâu phân loại thu gom của người dân cho tới khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, dự thảo luật cũng xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy nghìn đồng một hộ nữa mà thu theo thể tích rác, “Tức là thải ra nhiều phải chịu nhiều tiền hơn”, Bộ trưởng Hà nói.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn