Cân nặng tăng nhưng không béo lên: Chuyên gia lý giải 6 nguyên nhân

Sức khỏeThứ Sáu, 05/11/2021 15:30:00 +07:00
(VTC News) -

Nếu bạn đang trong quá trình giảm cân, có những lúc bạn sẽ cảm thấy thất vọng khi thấy cân nặng tăng lên đôi chút, nhưng điều đó không có nghĩa bạn đang béo lên.

Có nhiều lý do khiến cân nặng của bạn dao động mỗi ngày. Jonathon Taylor, huấn luyện viên cá nhân (PT) cấp cao tại Ultimate Performance - doanh nghiệp chuyên đào tạo huấn luyện viên cá nhân có trụ sở tại Anh, từng chia sẻ trên tờ The Sun rằng, mặc dù theo dõi sự thay đổi cân nặng mỗi ngày là cần thiết, nhưng chúng ta cần giải thích ý nghĩa của sự thay đổi đó một cách cẩn thận.

"Khi chỉ số cân nặng tăng hoặc giảm, điều này chỉ cho bạn biết rằng mình đã tăng hoặc giảm bao nhiêu, chứ không phải đã mất hay đạt được điều gì", anh nói.

"Trọng lượng cơ thể của bạn có thể dao động hàng ngày do một số yếu tố hoàn toàn không liên quan đến lượng mỡ hoặc khối lượng cơ thể bạn có.

Ví dụ như việc bạn đổ mồ hôi nhiều hay ít, lựa chọn thức ăn và đồ uống như thế nào, thời gian bạn bước lên cân và thời điểm bạn ăn lần cuối đều có thể khiến chỉ số cân nặng của bạn dao động theo từng ngày.

Giảm cân không phải là một quá trình suôn sẻ. Trong quá trình giảm cân, một số vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra, chẳng hạn như tăng cân đột ngột, giảm cân hoặc giữ nguyên cân nặng", Jonathon cho biết.

Dưới đây là một số điều khiến cân nặng dao động và nguyên nhân:

Táo bón

Táo bón là một nguyên nhân khá phổ biến có thể khiến bạn nặng hơn thực tế.

Cân nặng tăng nhưng không béo lên: Chuyên gia lý giải 6 nguyên nhân - 1

Emily Servante, PT của Ultimate Performance từng chia sẻ trên tạp chí Women’s Health rằng: “Nếu bạn nhận thấy mình đang gặp một số vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, sẽ không ngạc nhiên nếu cân nặng của bạn tăng lên đôi chút".

"Một khi vấn đề trên được giải quyết, trọng lượng của bạn sẽ giảm trở lại", anh nói thêm.

Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia tại Anh khuyến nghị, bạn có thể ngăn ngừa táo bón bằng cách thực hiện chế độ ăn giàu chất xơ (khoảng 30g mỗi ngày). Chất xơ không chỉ giúp tiêu hóa tốt mà còn hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

Bạn có thể nạp chất xơ từ những thực phẩm như trái cây, rau quả, bánh mì nguyên cám, mì ống làm từ bột mì nguyên cám và các loại đậu.

Carbohydrate

Carbohydrate là một chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn uống hàng ngày, có tác dụng bổ sung năng lượng cho cơ thể.

Nhưng nếu trong một ngày bạn phải ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, cân nặng của bạn có thể tăng vọt trong thời gian ngắn.

Carbohydrate bổ sung được lưu trữ trong cơ thể dưới dạng glycogen. Cơ thể tích trữ glycogen cùng với nước, nguyên nhân khiến cân nặng có thể tăng lên chỉ sau một đêm.

Emily cho biết: “Khi bạn ăn nhiều carbohydrate, cơ thể bạn sẽ phân hủy chúng thành glycogen. Chất này cùng với nước chuyển hóa vào các cơ, khiến cân nặng của bạn tăng lên. Tuy nhiên, đây là một quá trình hoàn toàn tự nhiên và không ảnh hưởng tới việc giảm lượng mỡ trong cơ thể”.

Hydrat hóa

Hydrat hóa được hiểu là một trạng thái giữ nước hoặc là quá trình cung cấp nước cho cơ thể, do vậy nó có ảnh hưởng lớn đến cân nặng mỗi ngày. Cả việc thiếu nước (mất nước) và nạp đầy (bù nước) đều có thể khiến cân nặng tăng hoặc giảm tạm thời.

Để giảm bớt con số hiện trên cân, đôi khi bạn có thể sẽ muốn uống ít nước đi. Tuy nhiên, có nhiều lý do cho cấp nước đầy đủ là một việc rất quan trọng trong quá trình giảm cân.

Ngoài việc uống nước hay trà để cấp nước, bạn có thể tích nước từ các loại thực phẩm khác, ví dụ như dưa chuột.

Ăn nhiều muối

Các thực phẩm giàu calo thường chứa nhiều muối hơn. Khi chúng ta ăn quá nhiều muối, cơ thể sẽ có xu hướng giữ nước để làm loãng lượng muối được nạp vào.

Cân nặng tăng nhưng không béo lên: Chuyên gia lý giải 6 nguyên nhân - 2

Điều này có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi hoặc tăng cân đột biến. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ hết nếu bạn quay lại với chế độ ăn bình thường.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) giải thích rằng, lượng natri dư thừa trong máu sẽ hút nhiều nước hơn vào các mạch máu, không chỉ khiến cân nặng tăng vọt tạm thời mà còn gia tăng nguy cơ huyết áp cao.

Chu kỳ kinh nguyệt

Cân nặng của phụ nữ có thể thay đổi tùy thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt.

Cân nặng tăng nhưng không béo lên: Chuyên gia lý giải 6 nguyên nhân - 3

Trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, cơ thể thường giữ nhiều nước hơn, khiến bạn trông có vẻ nặng cân hơn.

Phòng khám Mayo Clinic cho hay: “Việc giữ nước trong thời kỳ tiền kinh nguyệt có thể do sự vận động của các hormone. Chế độ ăn cũng đóng vai trò một phần".

Đầy hơi, chướng bụng trong giai đoạn này cũng có thể khiến cân nặng tăng lên. Để giữ nước trước thời kỳ tiền kinh nguyệt, bạn có thể hạn chế ăn muối hoặc bổ sung thêm magiê.

Uống rượu

Rượu bia có thể khiến cân nặng của bạn tăng lên vì nhiều lý do.

Theo tạp chí Healthline, cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để đào thải các chất kích thích so với các loại thực phẩm và đồ uống khác, đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa dẫn đến giữ nước.

Rượu cũng có thể khiến bạn tiêu thụ nhiều calo hơn. Tất cả các thức uống có cồn đều chứa calo và khiến cân nặng của bạn có xu hướng tăng lên.

Bảo Anh(Nguồn: thesun.co.uk)
Bình luận
vtcnews.vn